Ngay khi mở cửa, VN-Index vượt lên mốc tham chiếu, tăng lên 1.142 điểm. Tuy nhiên, thị trường đột ngột đảo chiều mạnh, rớt 44 điểm về 1.098 điểm lúc 10h21.
Nhưng chưa đầy 30 phút sau, chứng khoán bật lại mạnh 40 điểm, hồi phục về 1.138 điểm. Đà tăng của thị trường một lần nữa bị áp lực bán áp đảo và VN-Index lại rơi 27 điểm chỉ trong 10 phút.
Khi nhà đầu tư vẫn còn hồi hộp dõi theo đà bán trên thị trường, nhiều cổ phiếu một lần nữa phục hồi và kéo VN-Index quay lại 1.130 điểm khi phiên sáng đóng cửa lúc 11h30, gần sát mốc tham chiếu.
VN-Index liên tục đảo chiều với biên độ mạnh trong phiên sáng 20/1 trước khi hồi phục. Ảnh: VNDS. |
Trên nhiều hội nhóm chứng khoán, nhà đầu tư than phiền về tình trạng nghẽn lệnh, hệ thống chập chờn khiến giá khớp trên bảng điện không thể hiện chính xác. Cứ sau mỗi thao tác tải lại website, giá khớp lệnh cổ phiếu cũng như VN-Index lại thay đổi.
Dòng tiền đổ vào phiên sáng nay tiếp tục ở mức rất cao dù hạ nhiệt so với phiên hôm qua. Đến hết 11h30, tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE lên tới 14.834 tỷ đồng. Riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 14.454 tỷ.
Nhiều nhà đầu tư vì thế muốn thực hiện giao dịch ngay trong phiên sáng vì lo sợ tình trạng khó khớp lệnh vào phiên chiều tái diễn.
Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu tăng vọt tại một thời điểm rồi giảm nhanh ngay sau đó trong phiên 20/1. Ảnh: SSI. |
Sắc đỏ vẫn áp đảo trên thị trường khi 297 cổ phiếu giảm giá và số lượng mã tăng chỉ đạt 151. Nhưng giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại khả quan hơn khi có 15 mã tăng so với 14 mã giảm giá. Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng 20/1 cũng tăng nhẹ 3 điểm.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường với sự quan ngại từ nhà đầu tư cá nhân F0, khối ngoại vẫn tiếp tục gom hàng như phiên 19/1. Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên sáng 20/1 đạt 293 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/1, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ chịu một phiên giảm sốc. VN-Index giảm 60.94 điểm (-5.11%) về còn 1131 điểm khi đóng cửa, trong phiên có lúc chỉ số giảm gần 75 điểm. Trên HOSE có đến 327 mã giảm và không mã nào trong nhóm VN30 giữ được sắc xanh.
Sau phiên giảm kỷ lục, chỉ số VN-Index và VN30 còn tăng 2,46% và 3,41% từ đầu năm 2021 và cao hơn tương ứng 71,6% và 81,3% so với mức đáy năm 2020. Định giá P/E trên VN-Index là 18,9 lần.