Nhà đầu tư mở tài khoản tại VNDirect vẫn không thể truy cập nền tảng. Ảnh: Nam Khánh. |
Không có “phép màu” nào xuất hiện với các nhà đầu tư chứng khoán là khách hàng của VNDirect. Dù khẳng định đội ngũ công nghệ đã khắc phục được toàn bộ và đang trong quá trình kết nối trở lại từ đầu phiên sáng 25/3, cả website lẫn ứng dụng của công ty chứng khoán này vẫn không thể truy cập tính đến thời điểm phiên giao dịch kết thúc.
Theo một báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, VNDirect đang quản lý gần 700.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, chiếm gần 17% số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trên toàn thị trường. Đến nay, quy mô tài khoản khách hàng giao dịch tại VNDirect có thể lớn hơn nhiều con số này.
Bất chấp việc thiếu vắng hàng trăm nghìn nhà đầu tư từ VNDirect, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Toàn thị trường chứng kiến hơn 1.400 tỷ cổ phiếu với giá trị tương đương gần 33.000 tỷ đồng được sang tay.
Thị trường khởi đầu tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 suôn sẻ nhưng phần nào thể hiện sự thận trọng khi biên độ tương đối hẹp. Tuy nhiên, khi phiên chiều mở cửa, áp lực chốt lời bất ngờ dâng cao, khiến chỉ số quay đầu điều chỉnh.
VN-Index lùi xuống mốc 1.267 điểm. Ảnh: TradingView. |
Kết phiên, VN-Index đánh mất chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp khi giảm 13,94 điểm (-1,09%) để lùi về 1.267,86 điểm; HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,36%) xuống 240,81 điểm; UPCoM-Index có diễn biến ngược chiều khi tăng 0,14 điểm (+0,15%) lên 91,09 điểm.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chứng kiến 26 mã giảm và 4 mã tăng. Trong đó, các mã ngân hàng lớn như BID (-2,2%), CTG (-2,8%), VCB (-0,7%) và cổ phiếu GVR (-4,1%), MSN (-3,8%) dẫn đầu nhóm kéo sụt chỉ số. Ở chiều ngược lại, với mức tăng 3,5%, cổ phiếu NVL dẫn đầu nhóm giữ trụ cùng với VIC (+1,3%), VPB (+0,5%) và TPB (+1,3%).
Cổ phiếu bất động sản xuất hiện diễn biến khởi sắc vào đầu tuần khi ghi nhận nhiều mã có biên độ tăng ấn tượng. Song, áp lực cuối phiên đã thu hẹp biên độ của nhiều cổ phiếu, thậm chí dìm một số mã xuống dưới tham chiếu, điển hình như VHM (-0,5%), PDR (-0,1%), CEO (-0,8%), HDG (-1,3%), KDH (-0,5%).
Nhóm chứng khoán thu hút nhiều sự chú ý với tâm điểm là VND. Bất chấp việc vướng vào tin xấu, mã này vẫn tăng gần 1% vào sáng nay. Dẫu vậy, áp lực bán khiến VND nói riêng và nhóm chứng khoán nói chung nhanh chóng xuôi theo thị trường, cụ thể: SSI (-0,7%), VND (-1,4%), VCI (-3,1%), HCM (-1,7%), FTS (-0,9%), MBS (2,3%).
Một cổ phiếu khác liên quan đến VNDirect và nữ doanh nhân Phạm Minh Hương là IPA của CTCP Tập đoàn I.P.A cũng giảm 1,75% trong phiên này. Trong khi đó, mã PTI của CTCP Bảo hiểm Bưu điện lại tăng 2% lên mốc 35.700 đồng/đơn vị. PTI và IPA đều là 2 doanh nghiệp gặp sự cố tương tự VNDirect từ hôm 24/3.
Trước sự cố của VNDirect, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phải tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chứng khoán tới HNX kể từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục hoàn toàn sự cố. Các thành viên khác vẫn kết nối và giao dịch bình thường.
Sáng 25/3, công ty chứng khoán cho biết toàn bộ hệ thống bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch tạm thời không truy cập được. Đội ngũ công nghệ của VNDirect đang cố gắng khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên cần thêm thời gian để kết nối.
Hiện tại, công ty cũng đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng như đã phối hợp xử lý cùng PA05, A05 để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.