VN-Index tăng hơn 17 điểm trong phiên 20/3. Ảnh: Việt Linh. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phiên giao dịch 20/3 với tâm lý thận trọng, phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của các phiên liên tiếp điều chính trước đó. Phải đến gần giờ nghỉ trưa, sự trở lại của dòng tiền mới kích thích chỉ số trở lại quỹ đạo tăng và không gặp phải quá nhiều sự chống cự từ phe bán.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tăng 17,62 điểm (+1,42%) lên 1.260,08 điểm; HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,79%) lên 238,03 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%) xuống 90,54 điểm. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện nhẹ so với phiên hôm qua, đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Đà tăng của VN-Index có sự đóng góp lớn từ các cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi ngày điều chỉnh dữ dội vì áp lực chốt lời. Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay ghi nhận 24 mã tăng, 2 mã giữ tham chiếu và 4 mã giảm.
Trong 10 mã dẫn đầu nhóm vực dậy chỉ số, các cổ phiếu ngân hàng đóng góp 7 cái tên gồm BID (+2,7%), TCB (+5%), CTG (+3,2%), MBB (+4,1%), VPB (+2,8%), VIB (+7), VCB (+0,8%). Ngoài ra, nhóm này còn chứng kiến sự bật lên của một số cổ phiếu như MWG (+5,5%), FPT (+2,2%), GAS (+1,6%).
Ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, cho biết nền kinh tế vận hành dựa trên tín dụng. Vì vậy, ngân hàng được xem là ngành trụ cột của nền kinh tế, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế cũng không thể thiếu vai trò của ngành ngân hàng.
Trên thực tế, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm có vốn hóa lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cấu thành VN-Index, khoảng 35-40% tỷ trọng. Do đó, sự đi lên của chỉ số cần có sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng.
VN-Index chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Ảnh: TradingView. |
Theo nhiều dự báo, khả năng đến cuối năm 2024, VN-Index có thể đạt được mốc 1.400 điểm và chinh phục các mục tiêu cao hơn trong năm 2025 và 2026. Nếu dự báo này thành hiện thực, cổ phiếu ngân hàng bắt buộc phải có mặt trên hành trình tăng trưởng chung của chỉ số. Như vậy, xét về dư địa, ngành ngân hàng vẫn còn tiềm năng.
Tuy nhiên, sau thời gian tăng giá dài và mạnh, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tạm thời đạt đỉnh ngắn hạn và cần phải có sự điều chỉnh, tích lũy thêm động lượng mới có thể đi lên tiếp.
“Ngành ngân hàng có thể không hấp dẫn trong ngắn hạn nhưng rất đáng để xem xét cho nhu cầu đầu tư tích lũy trung dài hạn”, chuyên gia này nhận định.
Một cổ phiếu khác cũng có ngày giao dịch ấn tượng là HPX của Đầu tư Hải Phát. Hôm nay, hơn 304 triệu cổ phiếu HPX đã trở lại giao dịch trên HoSE sau 6 tháng bị đình chỉ giao dịch. Ngay trong ngày trở lại, cổ phiếu bất động sản này đã lập tức tăng trần và dư mua giá trần gần 65 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, bộ 3 cổ phiếu “họ Vin” gồm VIC (-1,1%), VHM (-0,9%), VRE (-1,5%) điều chỉnh đã tạo ra rào cản khiến chỉ số chưa thể bùng nổ.
Khối ngoại hôm nay vẫn chưa ngắt cơn bán ròng khi tiếp tục xả thêm 567 tỷ đồng. Trong đó, tập trung bán chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (-283 tỷ đồng), VIC (-174 tỷ đồng), VNM (-83 tỷ đồng), MSN (-81 tỷ đồng).
Ngược lại, DGC lại được dòng tiền ngoại gom vào 102 tỷ đồng hôm nay, theo sau là các mã STB (+100 tỷ đồng), MWG (+52 tỷ đồng). Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 42 tỷ đồng trong ngày tăng kịch biên độ.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.