Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán 2015 sẽ chứng kiến sự kiện 'sao đổi ngôi'

“Tôi đánh giá năm 2015 là sự kiện “sao đổi ngôi” từ nhóm dầu khí sang nhóm bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tiêu dùng.”

Ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên Phân tích cao cấp, công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với BizLIVE xoay quanh chủ đề TTCK Việt Nam cuối năm 2014 và xu hướng 2015.

- Ông có nhận định gì về xu hướng thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2014? Theo ông thị trường sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào?

Tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí sụt giảm hơn 30% kể từ thời điểm cuối tháng 08/2014 đến nay khiến hai chỉ số giảm mạnh, đặc biệt chỉ số VN-Index đã giảm dưới mức hỗ trợ tâm lý 600 điểm.

Bước sang tháng 12/2014, kỳ họp Quốc hội kết thúc và hàng loạt các chính sách cải cách đã ban hành, trong đó đặc biệt chú ý là chính sách hỗ trợ người nước ngoài mua bán nhà tại Việt Nam và thông tư 36 của NHNN đã phần nào tác động khá mạnh mẽ đến thị trường.

Hai chỉ số chững lại đà giảm và đứng vững trên các mức hỗ trợ mạnh 560 của chỉ số VN-Index và 85,5 của chỉ số HNX-Index, đặc biệt dòng tiền có xu hướng tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong các phiên đầu tháng 12/2014.

Trong tháng 12 này, tôi cho rằng dòng cổ phiếu bất động sản sẽ là nơi thu hút dòng tiền tốt nhất trên cả hai sàn do tác động tích cực từ chính sách nới rộng cho người nước ngoài.

Song song đó, đây cũng là thời điểm các quỹ thực hiện chốt NAV vào cuối năm và các cổ phiếu Bluechips chiếm đa phần tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư cho nên các nhóm cổ phiếu này có thể sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào các tuần cuối của năm 2014.

Ngoài ra, áp lực giảm giá dầu cũng đã suy yếu dần và phản ánh khá nhiều vào giá trị của nhóm cổ phiếu dầu khí cho nên tâm lý nhà đầu tư cũng không còn e ngại quá lớn và dòng tiền dần tìm đến các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm điển hình như DPM, PLC,… và nhóm ngành vận tải.

Do đó, quan điểm ngắn hạn của tôi, thị trường sẽ khó có thể giảm sâu dưới mức 560 điểm của chỉ số VN-Index và 85,5 của chỉ số HNX-Index và tôi kỳ vọng vào một xu hướng tăng cả ngắn và trung hạn sẽ được xác lập kể từ tháng 12/2014.

- Khối ngoại đã bán ròng trên TTCK Việt 5 tháng liên tiếp (từ tháng 7 đến 11) và vẫn duy trì xu hướng này trong các phiên đầu tháng 12. Ông có phân tích, nhận định gì về động thái giao dịch của khối này? Đâu là những nguyên nhân chính khiến khối này bán ra liên tiếp?

- Khối ngoại bán ròng liên tiếp trong hai tháng vừa qua, đặc biệt các cổ phiếu dầu khi chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại và một vài cổ phiếu Bluechips khác như HAG, KDC,... Nguyên nhân chủ yếu tôi nhận thấy rõ nhất có thể là việc giá dầu giảm mạnh khiến cho các nhà đầu tư lo ngại đến tình hình kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên Phân tích cao cấp, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên Phân tích cao cấp, công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Đồng thời, động thái bán ra các cổ phiếu Bluechips khác như HAG, KDC,... có thể là do hoạt động tái cơ cấu của khối ngoại vào cuối mỗi năm và rõ ràng là như thế vì họ cũng đã chuyển sang mua ròng khá mạnh các cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khác.

Tôi đánh giá động thái bán ròng các cổ phiếu vốn hoá lớn trong các tháng gần đây là bình thường và tâm lý ảnh hưởng cũng không quá tiêu cực như mọi năm vì họ bán nhóm cổ phiếu này và cũng mua vào nhóm cổ phiếu khác.

Điểm nổi bật tôi nhận thấy họ không rút tiền ra khỏi TTCK Việt Nam mà chỉ là sự dịch chuyển của dòng tiền, điều này cho thấy khối ngoại đang rất lạc quan với TTCK Việt Nam và họ cũng tin tưởng nhiều hơn về các chính sách cải cách của Chính phủ.

Tôi cho rằng khối ngoại sẽ sớm mua ròng trở lại và tôi kỳ vọng các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tiêu dùng sẽ là những nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong thời gian tới.

- Đến nay, TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng khoảng 13%, tức là chỉ hơn một nửa mức tăng trưởng của năm 2013. Ông có đánh giá gì về mức tăng này? Những “lực cản” nào khiến VN-Index không thể bật mạnh như nhiều dự đoán hồi đầu năm?

Khác với năm 2013, nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra vào thời điểm cuối năm 2014 và gây bất lợi cho TTCK Việt. Tuy nhiên, nhìn về mặt bằng giá thực tế của các cổ phiếu, tôi nhận thấy thị trường có sự phân hóa, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm rất mạnh, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại có mức tăng mạnh hoặc xác lập đỉnh mới.

Xét về chu kỳ biến động của thị trường trong 3 năm trở lại đây, thị trường thường bước vào giai đoạn biến động nhẹ hoặc tích lũy cho cơn sóng đầu năm tới cho nên tôi đánh giá thị trường vào tháng 12/2014 cũng không ngoại lệ như mọi năm.

Tuy nhiên, điểm lo ngại lớn nhất của thị trường là nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình giá dầu thế giới đang lao dốc, đây cũng là điểm thay đổi lớn vào cuối năm mà chính bản thân tôi cũng không lường trước được sự việc này.

Ngoài ra, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mức 600 điểm của chỉ số VN-Index là mức cản tâm lý cho nên tôi đánh giá lực bán tập trung nhiều tại mức này.

- Cuối cùng, xin ông đưa ra một số nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán năm 2015? Những yếu tố nào được cho là kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường?

- Tình hình lãi suất tiền gửi vẫn chưa thể hồi phục mạnh trong năm 2015, thị trường hàng hóa và vàng vẫn chưa lấy lại đà hồi phục vững chắc nhất cho nên kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn nhất, tôi tiếp tục lạc quan về xu hướng thị trường trong năm 2015 và chỉ số VN-Index có thể vượt mức đỉnh năm 2009 (tức là mức 630 điểm) thậm chí là vượt mức 660 điểm trong quý I và quý II/2015. 

Ngoài ra, các hoạt động M&A và thanh lý tài sản có thể sẽ góp phần tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết, yếu tố này cũng tạo sóng cho thị trường sẽ nhộn nhịp hơn trong năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng xem là giai đoạn nước rút của các sự kiện TPP, FTA, room khối ngoại,… cho nên tôi đánh giá nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn so với năm 2014. Do đó, tôi đánh giá năm 2015 là sự kiện “Sao đổi ngôi” từ nhóm dầu khí sang nhóm bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tiêu dùng.

Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư cân nhắc giải ngân cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

Nâng chất cho cổ phiếu MobiFone

Hàng loạt các động thái gần đây cho thấy chương trình cổ phần hóa MobiFone sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

http://bizlive.vn/chung-khoan/thi-truong-chung-khoan-2015-se-chung-kien-su-kien-sao-doi-ngoi-638443.html

Theo Huyền Trâm/ Bizlive

Bạn có thể quan tâm