Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chung cư đất vàng bí lối đi ở Hà Nội

Tranh thủ mua được đất nội thành, nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư tập trung xây dựng công trình để mở bán sớm, bất chấp lối vào nhỏ hẹp.

Hongkong Tower (Đê La Thành, quận Cầu Giấy)

Chung cư 27 tầng Hongkong Tower đặt trên nền đất rộng hơn 5.000 m2 trên phố Đê La Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo chủ đầu tư, dự án này có vị trí đắc địa, trung tâm nội đô, giao thông thuận lợi. Nhà đầu tư hứa hẹn cư dân sống tại đây sẽ được thừa hưởng hệ thống kiến trúc hiện đại của những công trình công cộng như công viên Thủ Lệ, Cầu Giấy, cạnh Đại sứ quán Nga, gần các đại học Giao thông vận tải, Ngoại thương, Luật và cả các bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Nhi Trung ương...

Tuy nhiên, thực địa cho thấy, Hongkong Tower không "án ngữ" vị trí mặt đường Đê La Thành, cửa ngõ thủ đô như quảng cáo. Khách đến muốn tìm tận nơi phải mất khá nhiều thời gian mới xác định được đúng vị trí đặt tòa chung cư 27 tầng tương lai là ngay bên chân tòa icon 4, cạnh ĐH Giao thông Vận tải. 

Dù thông tin mở bán đang rầm rộ thị trường với mức giá cho căn hộ nội đô là 36-37,5 triệu đồng/m2 nhưng dự án này vẫn chỉ đang ở giai đoạn đào móng. Nhìn từ trên cao, vị trí của dự án lọt thỏm giữa đất các hạ tầng xây dựng, rất khó tìm lối vào.

Đường từ ngoài vào dự án dài khoảng 15 m, đi bên sườn tòa icon4. Con đường nhỏ hẹp này chỉ vừa đủ cho 1 ôtô đi qua. Theo đại diện kinh doanh dự án, đây là công trình đi trước, đón đầu quy hoạch tuyến đường Voi Phục -Thái Hà rông 40 m sẽ chạy qua trong tương lai.

"Hiện tại, nội đô đã không còn quỹ đất để xây dựng chung cư. Việc kiếm được một mảnh đất để xây là rất hiếm nên chúng tôi không thể chờ có đường rồi mới triển khai công trình được, phải đi trước đón đầu thôi. Giờ chưa có đường giá mới mềm như vậy, có đường rồi, chắc chắn giá mỗi m2 đất sẽ tăng chênh ít nhất 10 triệu đồng", vị này chia sẻ.

Le Pont D'or 36 Hoàng Cầu (quận Đống Đa)

Con phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa) nhỏ hẹp, luôn là điểm ùn tắc giao thông nặng trong giờ cao điểm, lại là đường dẫn vào dự án phong cách hoàng gia của Tập đoàn xây dựng Tân Hoàng Minh.

Tọa lạc bên hồ Đống Đa, dự án được nhà đầu tư dành nhiều lời giới thiệu như "tọa sơn, hướng thủy, hài hòa âm dương". Diện tích xây dựng dự án là 5.363 m2, gồm 308 căn hộ cao cấp với 18 loại hình thiết kế và kích thước khác nhau, Le Pont D'or hiện được chào bán với giá từ 40 triệu đồng/m2. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, đây là mức giá rẻ so với các công trình chung cư có vị trí tương đương và cùng phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số kiến trúc sư, vị trí dự án này dù ở trung tâm, có tầm nhìn đẹp song cơ sở hạ tầng xung quanh lại chưa đảm bảo được các yếu tố an toàn. Cụ thể, đường vào từ phía Đê La Thành đi xuống phố Nguyễn Phúc Lai hay phía đường Hoàng Cầu đi men theo hồ vào đều quá nhỏ hẹp, không đủ cho 2 ôtô tránh nhau. Nếu không may có sự cố, đặc biệt là hỏa hoạn, việc ứng cứu sẽ khó khăn.

Đường phía Hoàng Cầu, men theo hồ vào vị trí dự án dài khoảng 500 m, có chiều rộng mặt đường chỉ hơn 4 m. Trong khi đó, theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực, một công trình xây dựng đảm bảo tính an toàn phải có mặt đường dẫn vào rộng tối thiểu là 8 m.

Với tổng số căn hộ là 308, cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh chung cư cao cấp như vậy có đủ sức để gồng gánh thêm hàng nghìn người dân cùng phương tiện đi lại đổ bộ trong tương lai gần đang là câu hỏi được đặt ra.

Pandora và Diamond Blue (Triều Khúc, quận Thanh Xuân)

Tương tự phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa), phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân) cũng là điểm nóng thường xuyên ách tắc giao thông nhiều năm qua. Tuy nhiên, khu vực này lại chuẩn bị phải gánh thêm hàng nghìn cư dân của dự án Tổ hợp xây dựng Pandora và chung cư Diamond Blue.

Dự án biệt thự liền kề, chung cư Pandora 53 Triều Khúc được chủ đầu tư, Công ty liên doanh ôtô Hòa Bình, giới thiệu là dự án trọng điểm của quận Thanh Xuân trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng được quy hoạch của thành phố Hà Nội.

Tổng diện tích xây dựng dự án là 41.700 m2, khởi công tháng 6/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019.

Mới chỉ ở giai đoạn đầu xây dựng, hiện dự án này đã khiến không ít khách quan tâm đau đầu vì loạn thông tin, giá cả. Khung giá chào qua nhiều nguồn, có tỷ lệ chênh rất lớn, từ 65 đến 110 triệu đồng/m2. 

Theo nhiều nguồn thông tin, để đảm bảo thỏa mãn điều kiện về hạ tầng giao thông, tương lai, dự án sẽ có quy hoạch tuyến đường mở rộng tới 40 m chạy qua. Nhưng thực tế, con phố nhỏ chỉ rộng khoảng 4 m Triều Khúc vẫn đang là lối vào duy nhất của công trình này.

Người dân sinh sống trên phố Triều Khúc vốn đã phải chịu cảnh tắc đường, khói bụi nhiều năm nay, nay lại gánh thêm nỗi khổ khói bụi công trường của dự án xây dựng quy mô lớn này. Để chống bụi ảnh hưởng nặng tới sức khỏe, nhiều gia đình phải đóng cửa kính kín mít cả ngày lẫn đêm.

Ngay cạnh Pandora là dự án chung cư Diamon Blue khởi công từ đầu 2015. Theo ý kiến nhiều người dân tại đây, phố Triều Khúc với 2 dự án bất động sản lớn, 1 trường đại học và mật độ xây dựng nhà ở dày đặc, đang rơi vào tình trạng quá tải.

Chung tình trạng trên, dự án chung cư Sapphire Palace nằm trên mặt phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) chỉ rộng khoảng 4 m được nhiều người dân ví như anh chàng khổng lồ rúc đầu vào ngõ hẹp.

Dự án Sky Garden nằm trong con ngõ 115 Định Công.

Sky City Tower (88 Láng Hạ, quận Đống Đa)

Nếu như các dự án kể trên còn đang trong tiến độ thi công, thì câu chuyện về những rắc rối xung quanh chuyện cổng vào tòa chung cư cao cấp Sky City Tower (88 Láng Hạ, quận Đống Đa) là minh chứng cho những hệ quả của tình trạng "xây nhà rồi mới lo mở cổng".

Tòa nhà đã vận hành được 5 năm, có giá bán căn hộ hơn 40 triệu/m2. Theo giới thiệu công bố năm 2009 từ chủ đầu tư dự án, cổng dẫn vào tòa nhà rộng hơn 10 m. Tuy nhiên, trong một chia sẻ của đại diện ban quản trị tòa nhà tháng 11/2015, chủ đầu tư là công ty Hanotex gần đây đã "cải chính" chiều rộng cổng vào chỉ là 3,5 m, bằng 2/3 diện tích cổng cư dân vẫn đi lại từ trước tới nay.

Bà Lê Thị Minh Hiền, đại diện ban quản trị chung cư Sky City chia sẻ, chủ đầu tư cho biết đã thuê ô đất số 90 Láng Hạ để cho cư dân mượn tạm đường ra vào trong suốt 5 năm qua. Đến nay hợp đồng đã hết, khu chung cư sẽ phải hoàn trả lại 2/3 diện tích lối đi hiện nay, đồng nghĩa lối đi chỉ còn lại 3,5 m.

Xây nhà trước khi mở cổng: Lòng tham của chủ đầu tư

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho biết, nhiều chủ đầu tư thường chọn mua đất ở các vị đón trước một con đường sẽ được quy hoạch chạy qua để được hưởng lợi về giá đất mua vào và giá chênh công trình sau khi hạ tầng được hoàn thiện.

"Tuy nhiên, quy hoạch cũng có thể thay đổi. Công trình xây xong, giá chào bán cao ngất ngưởng nhưng đường thì chưa chắc đã mở. Thực tế, nhiều công trình nội đô vẫn trong tình trạng mắc kẹt, chờ mở cổng", ông Liêm nói.

Nhận định về trường hợp các tòa chung cư có lối vào nhỏ hẹp dưới 8 m, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực cho biết, về nguyên tắc, lối vào công trình phải rộng tối thiểu 8 m. Nếu cổng vào quá nhỏ, trong các trường hợp xảy ra họa hoạn, cần ứng cứu, sẽ không thể đảm bảo an toàn, ứng cứu cư dân trong công tác thoát hiểm.

"Doanh nghiệp thường tranh thủ cơ hội mua được quỹ đất ở vị trí trung tâm với giá mềm để xây dựng công trình, mở bán giá cao bất chấp cơ sở hạ tầng xung quanh chưa theo kịp được. Trong các trường hợp này, lợi ích của chủ đầu tư được đặt lên trên lợi ích của khách hàng và các nguyên tắc đảm bảo tính an toàn của dự án", ông Đực nói.

Tiền tỷ mua cột nhà chung cư ở Hà Nội

Có những điều khó tin nhưng đang là sự thật ở Hà Nội: nhà giàu bỏ cả chục tỷ mua chung cư cao cấp nhưng lại không có đường đi, không có chỗ đỗ xe.

Anh Tuấn - Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm