Chuẩn quốc tế khiến tỷ lệ thất nghiệp Việt Nam thấp
Tổng cục Thống kê cho biết, theo chuẩn quốc tế, lao động thất nghiệp 7 ngày nhưng chỉ làm việc 1 giờ cũng được coi là có việc làm nên số liệu thất nghiệp của Việt Nam thấp.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay, 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính 2,28%, trong đó khu vực thành thị 3,85%, nông thôn 1,57%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước đạt 2,95%, với 1,76% khu vực thành thị và 3,47% khu vực nông thôn. Với thanh thiếu niên độ tuổi 15-24, tỷ lệ thất nghiệp 6 tháng đầu năm là 6,07%, trong đó khu vực thành thị chiếm 11,45% và nông thôn là 4,41%.
Đối chiếu với số lượng lao động ngày càng tăng, tỷ lệ này, theo nhiều quan điểm, vẫn còn thấp và phải chăng không sát thực tế? Nguyên nhân là, tại thời điểm 1/7/2013, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên cả nước ước đạt 53,3 triệu người, tăng hơn 715.000 người so với cùng kỳ 2012 và tăng 308.000 người so với 1/4/2013. Lực lượng lao động tăng nhanh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, công ăn việc làm hạn chế khiến cho tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,28% và 2,95% như báo cáo của Tổng cục Thống kê bị đặt dấu hỏi.
Theo Tổng cục Thống kê, số liệu về tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam thấp là đúng, do tuân thủ quy ước quốc tế về khái niệm thất nghiệp, ngay cả người không có việc làm 7 ngày nhưng chỉ cần 1 giờ làm việc hay sinh viên ra trường đi làm công việc không ổn định cũng chưa bị coi là người thất nghiệp. Ảnh minh họa: Lan Anh. |
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số lao động - bà Nguyễn Thị Xuân Mai - cho biết, thực tế, tỷ lệ thất nghiệp với lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) đặc biệt tại các khu vực thành thị là rất cao. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này là 11,45% trong khi riêng quý I đã 11,28%, quý II ước tính 11,62%. Còn số liệu 2,28% và 2,29% như trong thống kê là số liệu chung.
Với những băn khoăn nghi ngại, đại diện Vụ thống kê Dân số lao động khẳng định, toàn bộ số liệu thu thập để cung cấp trong báo cáo đều dựa trên khái niệm chuẩn của quốc tế về thất nghiệp. “Tỷ lệ chúng tôi nghiên cứu là lao động không có việc làm, họ đang tìm việc trong suốt thời gian vừa qua. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, mọi người đều nghĩ sinh viên ra đường làm việc tạm thời, kém ổn định được coi là thất nghiệp, song theo quy ước khái niệm quốc tế không như vậy, có lẽ vì thế mà tỷ lệ hơn 3,21% được coi là quá thấp”, bà Mai lý giải.
“Tôi khẳng định, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp so với thế giới, mà thấp là đúng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức bổ sung ý kiến của bà Mai. Ông Thức phân tích, theo khái niệm thế gới mà nghiên cứu áp dụng để điều tra, người được coi là thất nghiệp là người 7 ngày không làm việc hoàn toàn. “Nếu làm việc kể cả chỉ là 1 giờ, cũng được coi như là có việc làm mà không bị coi là thất nghiệp, nên khi xét tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam cũng cần phải làm rõ khái niệm có người nào trong một tuần mà không có việc làm cả 7 ngày hay không”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu ý kiến.
Ông Thức cho rằng, nếu các nước xung quanh lấy các tiêu chí chuẩn trên để đo lượng thất nghiệp, thì tỷ lệ cũng thấp, ở khoảng 2-3%. “Tại sao như Thái Lan, tỷ lệ này chỉ 0,8% mà người ta vẫn chấp nhận, còn Việt Nam đã tới 2,8%, 2,9%, thậm chí khu vực thành thị hơn 3,4% các vị vẫn nói thấp. Thực tế, mỗi con số đều gắn với một nội dung, một khái niệm rất cụ thể trong điều kiện rất cụ thể”, ông Đỗ Thức chia sẻ quan điểm.
Số liệu thực tế về tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là những vấn đề băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội trong mỗi kỳ họp. Hồi đầu tháng 6, trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhiều đại biểu nêu băn khoăn về số liệu tỷ lệ thất nghiệp cũng như số lượng lao động mới có việc làm và cho rằng “không có cơ sở thực tiễn” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nguy khốn, sản xuất đình trệ để tin vào các con số này.
hoàng anh
Theo Infonet