Chiều 2/2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, nhiều câu hỏi được đặt ra với đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan tới nguyên nhân nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 tại cầu Vàm Cống. Cầu thuộc địa phận 2 tỉnh thành Đồng Tháp và Cần Thơ, xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá sự cố nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là nghiêm trọng và hy hữu. Nếu không xảy ra sự cố, cầu Vàm Cống và Cầu Cao Lãnh dự kiến sẽ thông xe vào đầu năm 2018.
Cầu Vàm Cống. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Sau sự cố, Bộ GTVT đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá và tìm nguyên nhân xảy ra sự cố. “Hiện chưa xác định được nguyên nhân cuối cùng. Khi nào có chúng tôi sẽ thông báo sau”, ông Đông nói và cho hay tới nay chưa rõ khi nào làm rõ được nguyên nhân cũng như biện pháp xử lý.
Trước đó, chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu, Bộ GTVT cho biết không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra, ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của công trình.
Cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 9/2013, vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, hợp long ngày 29/9/2017.
Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu. Cầu được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng chiều dài gần 3 km, chiều cao thông thuyền 37,5 m.
Cầu được thiết kế dây văng hình rẻ quạt gồm 114 dây bố trí trên 2 mặt phẳng xiên. Cầu dẫn phía Đồng Tháp gồm 28 nhịp; cầu dẫn phía Cần Thơ gồm 25 nhịp.