Chiều 15/11, ông Trần Hải Sơn, Phó ban phụ trách Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) cho biết vị trí sạt lở núi Bà Đen ở khu vực đỉnh xuống lưng chừng núi.
"Vụ sạt lở xảy ra ngày 14/11 nhưng do địa hình hiểm trở, đến chiều 15/11, đơn vị vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường. Tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen đang tạm ngưng hoạt động", ông Sơn nói.
Khu vực sạt lở trên núi Bà Đen. Ảnh: M.K. |
Theo ông Sơn, khu vực núi Bà Đen từng xảy ra một số lần sạt lở. Năm 1978, một vụ xảy ra ở vị trí gần hiện trường mới xảy ra. Gần đây nhất là năm 2014, phía sau Chùa Bà xảy ra vụ lở đá.
Trong ngày 15/11, đơn vị không thấy xảy ra sạt lở thêm. Khu vực này chủ yếu là dây leo và đá mồ côi. Mưa lớn khiến nền đất yếu, nước chảy mạnh gây sạt lở.
Trước đó, ngày 14/11, một lượng lớn đất đá từ khu vực sườn núi Bà Đen, phía sau Chùa Bà sạt lở. Khu vực sạt lở không có các hộ dân sinh sống nên không gây thiệt hại về vật chất, con người.
UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá tác động địa chất có thể xảy ra tiếp theo nếu mưa lớn kéo dài cũng như bố trí lực lượng, vật tư theo dõi khu vực sạt lở.
Núi Bà Đen hiện có 2 tuyến cáp treo. Tuyến cáp dẫn từ chân núi lên đỉnh Bà Đen dài 1.847 m, gồm 113 cabin; tuyến cáp dẫn từ chân núi lên chùa Bà Đen 1.210 m, bao gồm 78 cabin.
Đây là hệ thống cáp treo hiện đại được đưa vào sử dụng vào tháng 1/2020, đưa du khách tham quan, du lịch, hành hương tại núi Bà Đen.
Do dịch bệnh Covid-19, đơn vị khai thác đã tạm ngưng hoạt động hệ thống cáp treo từ ngày 4/11.