Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa thể nói trước lãi suất trong năm 2016

Theo Phó thống đốc, để xử lý nợ xấu, chia sẻ cho doanh nghiệp, đảm bảo cho vay an toàn, lợi nhuận ngân hàng 2015 đã thụt lùi so với 2014. Lãi suất 2016 cũng chưa thể nói trước.

Phát biểu trong cuộc họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước sáng nay, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, bài học lớn nhất cho công tác chỉ đạo là kiên định mục tiêu và linh hoạt về giải pháp. Trong điều hành, cơ quan này đặt yêu cầu nâng cao vị trí đồng Việt Nam làm trọng tâm, từ đó phối hợp đồng bộ các chính sách lãi suất, tỷ giá.

Trả lời về câu hỏi dư địa giảm lãi suất trong năm 2016, Phó thống đốc cho rằng lạm phát của năm 2015 chỉ là 1%, nhưng sang năm 2016 sẽ khó có thể đạt được như vậy. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm điện, học phí, giá các dịch vụ y tế... sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát, và từ đây sẽ gây áp lực tới công tác điều hành tỷ giá.

Lợi nhuận ngành ngân hàng bị ảnh hưởng lớn vì phải xử lý nợ xấu, chia sẻ cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn.
Lợi nhuận ngành ngân hàng bị ảnh hưởng lớn vì phải xử lý nợ xấu, chia sẻ cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn.

"Lạm phát năm 2015 giảm do nhiều yếu tố, trong đó có giá dầu thấp. Tuy nhiên, giá dầu hiện đã ở mức đáy, và rất có thể nó sẽ tăng, thậm chí tăng mạnh trong năm tới. Hơn nữa, kinh tế thế giới rất khó lường, tác động tâm lý của thị trường trong nước đối với một số sự kiện tài chính lớn của thế giới là rất nặng nề. Vì vậy, vấn đề lãi suất trong năm tới là chưa thể nói trước được", bà Hồng nhấn mạnh.

Trong so sánh tương quan lãi suất của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, Phó thống đốc cho rằng việc lãi suất trong nước cao hơn nước ngoài do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có lạm phát, sự phát triển của hệ thống tài chính, cũng như khả năng chịu đựng của các ngân hàng.

"Có thể lạm phát của nước ngoài thấp hơn Việt Nam, cũng tạo điều kiện cho họ duy trì mức lãi suất thấp hơn chúng ta. Hơn nữa, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua hệ thống tín dụng, nhưng dù cả hệ thống vẫn mong giảm lãi suất thì lại phải xét tới yêu cầu giảm nợ xấu, đảm bảo ngân hàng hoạt động có hiệu quả.

Hiện tại, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngân hàng đã phải giảm lãi cho các doanh nghiệp, dành nguồn lực lớn để xử lý nợ xấu, đảm bảo cho vay an toàn, nên lợi nhuận thậm chí là thụt lùi so với năm 2014", Phó thống đốc cho hay.

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định từ năm 2011 đến nay, việc điều hành đã đưa chỉ tiêu này về mức hợp lý, thay vì tăng nóng như trong các giai đoạn trước. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 21/12 đạt 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2014. Với diễn biến này, ước tính cả năm tín dụng có thể tăng 18%. Riêng năm 2016, mức tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 18 đến 20%.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm