Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng ngân sách Đảng để chi lắp camera an ninh tại nhà riêng các lãnh đạo không chỉ sai nguyên tắc mà còn khiến dư luận băn khoăn về quy trình chi tiền ngân sách ở địa phương có quá lỏng lẻo dẫn đến việc bị lợi dụng để lạm chi.
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khẳng định đây là chuyện chưa có tiền lệ. Sự việc cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tự đặt ra khoản chi nằm ngoài nguyên tắc, còn người ký quyết định để rút tiền ngân sách ra chi cũng có vi phạm.
Ngân sách Đảng chỉ chi cho hoạt động Đảng
- Thưa ông, theo nguyên tắc, tài chính của Đảng thường được chi vào những mục đích, nội dung gì?
- Ngân sách của Đảng chỉ để chi cho hoạt động của Đảng mà thôi. Hàng năm, mỗi địa phương sẽ có bản dự trù kinh phí của Đảng để đưa sang chính quyền. Chính quyền căn cứ vào đó sẽ chuyển tiền ngân sách Nhà nước sang quỹ tài chính của Đảng.
Việc chi tiêu ngân sách Đảng là hết sức chặt chẽ chứ không tuỳ tiện.
Nhà của một lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng được lắp camera xung quanh. Số tiền lắp camera được lấy từ ngân sách Đảng. Ảnh: Tuấn Anh. |
- Chi sai nguyên tắc tài chính của Đảng thì cá nhân, tập thể quyết định sẽ phải nhận những hình thức xử lý, kỷ luật như thế nào, thưa ông?
- Theo nguyên tắc, nếu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chi sai thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có bộ phận tài chính xuống trực tiếp kiểm tra tài chính xem nguồn thu, nguồn chi ở địa phương có gì không chính đáng, không rõ ràng.
Khi xưa, tôi từng đi kiểm tra ở nhiều Ban Thường vụ tỉnh ủy và thành ủy, cũng có những sai phạm này hay sai phạm khác nhưng là nhỏ thôi. Sai phạm nào cũng đều được kết luận rõ ràng, sai đến đâu xử lý đến đấy. Nghiêm trọng thì phải xem xét kỷ luật, đặc biệt với những nơi chi sai tiền ngân sách. Bởi đây là việc không đơn giản.
Quỹ tài chính Đảng phải chi đúng mục đích, đúng nguyên tắc của luật chứ không thể đi trái lại theo kiểu "biến của công thành của tư".
- Với những sai phạm như ông vừa nêu, mức kỷ luật cao nhất từng được đưa ra là gì?
- Tất cả việc xử lý đều căn cứ theo các quy định của Đảng. Đối với các Tỉnh ủy, Thành ủy, anh quyết định chi sai nguyên tắc thì Trung ương sẽ kiểm điểm, xem xét, kỷ luật bằng các hình thức đã có trong quy định của Đảng.
Trước đây, khi kỷ luật tổ chức Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước đây thì hình thức cao nhất là cảnh cáo, còn cá nhân chỉ khi nào xác định thấy có dính dáng đến tiền bạc, lợi dụng chức vụ để chi sai mới xử.
Nhưng bối cảnh kinh tế xã hội ngày nay phát triển, các sai phạm cũng tinh vi và nghiêm trọng hơn rất nhiều nên việc xử lý cũng cần nghiêm khắc hơn. Đặc biệt, hiện nay có nhiều việc dễ xâm phạm khiến cán bộ vi phạm, có nhiều khoản chi tiêu khiến anh lợi dụng, chi sai nguồn tài chính.
Chưa có tiền lệ
- Là một người có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực kiểm tra Đảng, ông có suy nghĩ gì khi tiếp nhận thông tin Sóc Trăng chi gần 1 tỷ ngân sách của Đảng để lắp camera cho nhà riêng các lãnh đạo?
Camera hướng vào một nhà lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Anh. |
- Đây là việc chưa từng có tiền lệ, từ xưa đến nay chưa từng có. Bất cứ khoản chi nào từ ngân sách Đảng cũng phải được xem xét, phê duyệt một cách chặt chẽ chứ không có chuyện cho chi cả tỷ bạc một cách dễ dàng.
Việc lắp camera để đảm bảo an ninh là việc của bên chính quyền, không phải việc của bên Đảng. Và việc lấy ngân sách chung chi cho mục đích riêng thì lại càng không đúng.
Vụ việc được dư luận nhìn nhận là một việc phản cảm và gây bức xúc cho người dân. Những việc như vậy tuyệt đối không được làm.
- Sóc Trăng đã thu hồi quyết định chi tiền ngân sách lắp camera nhưng sự việc đã hoàn thành, tiền đã chi ra và camera đã được lắp đặt. Vậy theo ông, các bước xử lý tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào?
Bây giờ Sóc Trăng phải thực hiện những việc đã công bố là thu hồi quyết định và thu tiền về lại cho ngân sách. Đồng thời, tỉnh phải tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan. Nếu tỉnh không làm nghiêm thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào cuộc xem xét, xử lý.
Kiểm điểm qua loa, cấp trên sẽ vào cuộc
- Việc Sóc Trăng chi ngân sách Đảng để lắp camera tại nhà riêng các lãnh đạo đã có sự thống nhất của cả một tập thể. Vậy quy trình để đưa ra một quyết định chi tiền từ ngân sách Đảng như thế nào, thưa ông?
- Chắc chắn Ban Thường vụ phải bàn bạc với nhau, thảo luận, đi đến thống nhất và quyết định. Bởi vậy, đó là trách nhiệm của tập thể. Nhưng trách nhiệm cá nhân trong nhiều trường hợp không phải không có.
Theo quy trình, hàng năm tỉnh phải có dự toán chi xem sẽ chi những khoản gì và mất bao nhiêu tiền. Sau đó làm văn bản sang chính quyền để trích quỹ ngân sách của Nhà nước sang cho Đảng, bảo đảm mục tiêu chi.
Nhà một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng được trang bị camera từ tiền ngân sách của Đảng. Ảnh: Tuấn Anh. |
Cuối năm phải có quyết toán và báo lại phía chính quyền xem quỹ Đảng còn thừa, thiếu bao nhiêu. Tất cả quy trình này phải được quản lý chặt chẽ theo Luật Ngân sách.
Vụ việc cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đó không nghiêm túc, tự đặt ra khoản chi nằm ngoài nguyên tắc, như vậy là sai rồi. Rồi việc ông Phó bí thư tỉnh ủy ký quyết định để rút tiền ngân sách ra chi, dùng với nhau cũng là không đúng.
- Nhiều ý kiến e ngại nếu để địa phương kiểm điểm nội bộ sẽ lại dẫn đến câu chuyện nể nang, né tránh, và cuối cùng là sai phạm đến đâu cũng chỉ “rút kinh nghiệm”. Theo ông, việc này có cần sự vào cuộc của cơ quan kiểm tra cấp trên?
- Đó rõ ràng là một thực tế từng diễn ra. Nhưng bây giờ, nếu họ kiểm điểm không nghiêm túc thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương chắc chắn sẽ chỉ đạo xuống. Còn nguyên tắc để địa phương tự kiểm điểm xem ai sai, sai ở đâu, sửa sai thế nào.
Nếu địa phương cố tình kiểm điểm qua loa, làm không nghiêm túc, làm cho xong chuyện thì cơ quan kiểm tra cấp trên phải vào cuộc.
Ủy ban Kiểm tra có cả một Vụ chuyên kiểm tra tài chính Đảng. Hàng năm có kế hoạch kiểm tra Ban tài chính của bao nhiêu tỉnh, việc kiểm tra sẽ xem sổ sách, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tiền bạc, chi tiêu hàng tháng.
Đặc biệt trong xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cũng cần kiểm tra kỹ vì đây là thứ hay được “vẽ” ra để chi. Theo đó, ai vi phạm đến mức xử lý kỷ luật là phải xử lý ngay.
Các vi phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện nhưng nếu nghiêm túc thì làm ra ngay vì ngành kiểm tra có quyền hạn như tiếp cận các hồ sơ, sổ sách, tài khoản… Nếu có sai sẽ không thể giấu mà lộ ra ngoài ngay. Nhưng cũng có cái khó, áp lực khi nhiều địa phương có sai nhưng luôn tìm cách chống đỡ, ngụỵ biện, thậm chí là chạy chọt, mua chuộc.
- Xin cảm ơn ông!
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/10, trả lời câu hỏi của Zing.vn về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dẫn Quyết định 09 ngày 22/9/2017 của văn phòng Trung ương Đảng về một số hoạt động chi tiêu trong hoạt động của các Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy. Bà Mai khẳng định việc chi lắp đặt camera không thuộc nội dung chi trong quy định này.
Nhấn mạnh đây là việc làm không đúng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc nhở đó cũng là bài học cần rút kinh nghiệm chung.
Ông nhắc đến chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao là luôn thắt chặt kỷ luật chi tiêu ngân sách, phải hiệu quả và đúng mục đích. Bởi vậy, vụ việc ở Sóc Trăng không thể chỉ rút kinh nghiệm mà phải kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.