Chùa Hương còn gọi là chùa Hương Tích là một thắng cảnh của miền Bắc Việt Nam đã được vua Lê Thánh Tông tặng là NAM THIÊN ĐỆ NHẤT ĐỘNG.
Chùa nằm trên địa phận làng Yến Vĩ, phủ Mỹ Đức tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội - pv).
Bắc Việt có nhiều chùa chiền thắng cảnh, nhưng ai đã đi chùa Hương đều công nhận chùa Hương là đẹp và chùa Hương cũng là nơi được nhiều người biết tới hơn cả, và sự biết này chính là do hội Chùa Hương.
Hàng năm hội Chùa Hương mở từ đầu tháng Giêng cho đến hết tháng hai, ngày chính hội là ngày rằm tháng hai.
Ảnh minh họa. Nguồn: Hà Nội mới. |
Trong kỳ hội dân chúng các nơi, khắp bốn phương miền Bắc, từ Thanh Hóa đến Lạng Sơn, từ Cao Bằng đến Nam Định đều rủ nhau trẩy hội Chùa. Nhiều người dù chẳng giàu có gì, nhưng lòng mộ đạo muốn thăm cảnh, họ cố gắng đi lễ Chùa Hương, người sung túc vài ba năm đi lễ một lần, người thiếu thốn cũng cố gắng một đời đi lấy một lần để biết nơi bầu Trời cảnh Bụt.
Chùa ngoài tên Hương Tích, còn được gọi là Hương Sơn. Nói là chùa Hương nhưng không phải chỉ gồm một ngôi chùa, mà gồm nhiều ngôi chùa rải rác trong dãy núi đá vôi nhiều ngọn không cao lắm ở vùng này. Ngôi chùa chính là chùa Hương Tích thiết lập trong một động lớn, thờ Phật Bà Quan Âm, cùng với nhiều vị Phật.
Chính trước cửa động này có năm chữ tương truyền là của vua Lê Thánh Tông, với những nét rất sắc sảo NAM THIÊN ĐỆ NHẤT ĐỘNG.
Đi chùa Hương thường do hai lối: đường bộ hoặc đường thủy, nhưng đi đường nào, khi tới bến Đục, hoặc bến Hà Đoan khách trẩy hội cũng phải đi đò Suối.
Đường bộ qua Hà Đông đến phủ Vân Đình, tới làng Hòa Xá, rồi sang sông cập bến Hà Đoan khách trẩy hội sẽ đi bộ chừng năm trăm thước, và đây là đò Suối.
Đi đường thủy, khách đi đò dọc trên sông Đáy từ Phủ Lý, tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam. Thuyền đi từ chập tối hôm trước, và tang tảng sáng hôm sau tới bến Đục, kế bến Hà Đoan. Khách cũng lại đi bộ độ năm trăm thước trước khi tới đò Suối.
Bến Đục là địa đầu cảnh Hương Sơn. Phong cảnh trông thật là bao la hùng vĩ. Trong những ngày mở hội, giữa khung cảnh bao la hùng vĩ này chen vào một vẻ tấp nập nhộn nhịp khác thường.
Dưới sông thuyền đậu san sát tại bến. Những cột buồm chi chít, khiến ở đằng xa, trông như một rừng tre khô. Những con đò ngang đi đi lại lại, từ bên này sang bên kia sông, và những con đò dọc từ mạn Phủ Lý tới từ từ cập bến.
Du khách đứng nhấp nhô trên mui thuyền, trên mạn thuyền. Mái chèo khua nước bắn tóe, sóng sông nhẹ vỗ vào mạn thuyền đều đều khiến những con thuyền dập dềnh như chen chúc. Du khách gọi nhau, chỉ trỏ cảnh núi non cao rộng, cảnh sông nước bao la, trông như tranh vẽ.
Lên bến Đục, người đi lễ đông nghịt, ai nấy đều tay xách nách mang, lùng tùng những vàng hương đồ lễ. Họ kéo nhau đến đò Suối, hoặc từ đò Suối đi ra. Những lớp người tiếp những lớp người, những lớp người gặp những lớp người.
Không ai quen biết ai, nhưng gặp nhau họ đều vui vẻ chào nhau. Họ chào nhau bằng những tiếng niệm Phật Nam mô. Những tiếng Nam mô vang lên, những tiếng Nam mô đáp lại.
Lòng khách đi lễ, hay ở chùa ra về, ai nấy đều hướng vào Đức Phật Bà Quan Âm, cầu xin ở Đức Phật mọi sự từ bi hỉ xả, mong Đức Phật ra tay cứu vớt họ, để bao nhiêu lỗi lầm của họ về trước đều được xóa bỏ.
Đi bộ một lúc lâu là đò Suối. Trên quãng đường vào khoảng năm trăm thước từ bến Đục tới bến đò Suối là một dãy dài hàng quán bán quà bánh, các đồ thủ công nghệ để làm kỷ niệm và nhất là các thứ sản phẩm địa phương: rau sắn, củ mài, mơ, trao lão mai...
Đứng ở bến đò, khách nhìn bao quát được hết phong cảnh vùng chùa Hương. Non nước bao la, xa gần nét đậm nét nhạt, những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau. Bầu không khí trong vắt. Lòng du khách thấy nhẹ lâng lâng. Những tiếng Nam mô của chư khách chào nhau vẳng lên trời cao, vang trên mặt nước, lẫn vào ngàn mây, bụi trần lúc này cơ hồ như gột sạch.
Ở đây, khách sẽ xuống đò đi vào chùa Ngoài. Những cô lái đò lanh lẹ trên chiếc thuyền nan với nét mặt tươi cười, với giọng quyến rũ mời khách đi đò.
Trời đầu năm còn lành lạnh. Các cô chít chiếc khăn mỏ quạ để lộ đôi má ửng hồng. Với khuôn mặt nhẹ nhàng, với dáng điệu mau mắn, các cô giúp đỡ khách đi chùa.
Có những con thuyền vừa cập bến, chở khách từ chùa ra, có những cô đã cắm thuyền từ trước đợi khách vào chùa. Cô nào cô nấy đều vui vẻ đón chào chư thiện nam tín nữ thập phương.