Chưa cuối năm, ATM đã 'dở chứng'
Mới tháng 10, song nhiều khách hàng đã phàn nàn vì ở một số khu vực, máy ATM bỗng dưng “hết tiền”, không giao dịch được.
Anh Hồng, nhà ở Mỹ Đình cho hay, tối 29/9, hai vợ chồng đi sắm đồ nhưng thiếu tiền mặt. Đem thẻ Eximbank đến máy ATM tại khu chung cư The Manor (đường Mễ Trì) để rút tiền, song thao tác trên máy ATM này khá chậm vì đánh mật khẩu phải 3-4 giây sau mới hoàn thành. Rút tại các ATM khác liền kề bao gồm BIDV, ACB, Vietcombank và Maritime, thì chỉ có ACB nhả tiền, được 4 triệu đồng trong khi anh này định rút ra 10 triệu đồng. Các máy khác gồm BIDV, Vietcombank và Maritime Bank đều trục trặc, không nhả tiền, không giao dịch được.
Trước đó, anh Hồng cho hay cũng rút tiền tại cây ATM của Vietcombank trên đường Mễ Trì, cạnh Tổng công ty Sông Đà, nhưng máy không hoạt động. “Có 2-3 vị khách khác dùng thẻ Vietcombank cũng không rút được tiền từ 3 máy ATM của ngân hàng này”, khách hàng nói trên chia sẻ.
Máy ATM "xin lỗi" khách hàng liên tục |
Hiện tượng ATM trục trặc không nhả tiền dù nhận giao dịch cũng diễn ra tại một số điểm khác tại khu vực phía Tây Hà Nội. Tối thứ ba tuần trước, có việc cần tiền mặt, chị Lan ở Cầu Diễn (Hà Nội) đi rút tiền tại một máy ATM cùng hệ thống Smartlink trên phố Lê Đức Thọ. Giao dịch báo thành công, song chị Lan không thấy máy nhả tiền. Truy vấn lại số dư tài khoản, chị vẫn thấy nguyên gốc như khi chưa rút. Phải đến lần thứ ba, chị Lan mới rút được 2 triệu đồng. Trước đó chị Lan cho hay rút tiền tại ATM của Vietinbank tại phố Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) cũng không thể giao dịch được dù máy đã nhận thẻ.
Các ngân hàng cho hay, thường những tháng cuối năm, ATM của nhiều ngân hàng gặp trục trặc do lượng người giao dịch đông hơn bình thường. Thậm chí, gần Tết nguyên đán, lượng người rút tiền cũng tăng đột biến, xếp hàng rút tiền khiến cho không ít phòng giao dịch ngân hàng phải tăng cường làm việc ngoài giờ để phục vụ khách đến rút tiền tiêu Tết. Nhưng năm nay, theo phản ánh, việc “hết tiền” và trục trặc tại ATM diễn ra ngay từ những ngày đầu tháng 10. Dù chưa tới mức phổ biến, nhưng hiện tượng nói trên cũng khiến cho không ít người sử dụng ATM bức xúc.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, hiện tượng ATM bị trục trặc hay lỗi có thể xảy ra trong trường hợp khách hàng thao tác chậm và chỉ diễn ra cục bộ, trùng hợp ngẫu nhiên. Còn về giả thuyết ngân hàng “hết tiền”, ông này cho hay không bình luận song chắc chắn các ngân hàng đều phải đảm bảo giao dịch thông suốt. “Thường chỉ cuối năm, lượng người sử dụng ATM đông đột biến, tình trạng tắc nghẽn mới xảy ra”, lãnh đạo này chia sẻ.
Vấn đề thanh khoản của một số nhà băng cũng được đặt ra khi chuyện ATM chưa cuối năm đã hết tiền được đem ra bàn luận. Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, cuối năm thường là giai đoạn căng thẳng thanh khoản của ngân hàng nên việc tiếp quỹ cho ATM, đặc biệt là các máy nằm xa trung tâm cũng không có gì quá khó hiểu. Ông này cho rằng, trong trường hợp không rút được tiền tại ATM, chủ thẻ nên cầm thêm chứng minh nhân dân vào rút ngay tại quầy giao dịch. “Cũng có thể nhân viên sẽ giải thích là do máy hỏng chưa kịp sửa, máy hết tiền chưa kịp tiếp quỹ. Do đó nếu rút tại quầy mà vẫn khó khăn, không được, thì chắc chắn phải xem xem có vấn đề gì tại ngân hàng này hay không”, ông nói.
Về thanh khoản các ngân hàng, báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc vừa công bố dự đoán, vẫn khó khăn tại một số nhà băng khi có hiện tượng tăng và vượt trần lãi suất từ tháng 9, trong khi thị trường liên ngân hàng- nơi các nhà băng cho nhau vay vốn cũng chậm lại. Ủy ban giám sát tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước vào cuộc để thị trường hai là nơi điều tiết tiền tệ, giải quyết vấn đề thanh khoản cho các nhà băng khó khăn.
Lan Anh
Theo Infonet