Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa có sự thống nhất về cách dịch trong sách nghiên cứu

Sách nghiên cứu khoa học đòi hỏi cao về sự thống nhất trong cách dịch những thuật ngữ. Một thực trạng là hiện nay chưa có sự thống nhất khi dịch sách nghiên cứu.

Tham dự buổi ra mắt sách mới Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới ngày 27/8, TS. Phạm Quốc Lộc (công tác tại Đại học Thái Bình Dương) cho biết hiện nay, chỉ có sách nghiên cứu về ngôn ngữ học, triết học Marx-Lenin là có được cách dịch thuật ngữ thống nhất.

Trong khi đó, những lý thuyết trong sách nghiên cứu của các chuyên ngành khác lại chưa có sự thống nhất. Trước một thuật ngữ còn mới mẻ với bạn đọc Việt Nam, người dịch hay có thói quen ghi chú từ “tạm dịch” rồi bỏ vào ngoặc đơn.

Sach nghien cuu anh 1

Sách Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Vì chỉ là tạm dịch nên cùng một thuật ngữ, ở sách khác lại sử dụng cách dịch khác. Điều này ít nhiều gây cản trở cho người đọc trong việc tiếp thu liền mạch kiến thức giữa nhiều sách khác nhau, đặc biệt là với những ai không có điều kiện tiếp xúc sách gốc.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Minh (dịch giả cuốn sách Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, hiện công tác tại Đại học Sư phạm TP.HCM) và TS. Đào Lê Na (hiện công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đều đồng tình với ý kiến của TS. Phạm Quốc Lộc.

Đơn cử, từ “queer” - một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu giới thì cả hai đều có cách dịch khác nhau với những lý do riêng. TS. Nguyễn Thị Minh dịch từ này là “lệch pha”, còn TS. Đào Lê Na lại dịch là “lệch chuẩn”. Hoặc từ “representation” có sách dịch là biểu trưng, có sách dịch là trình hiện.

Có mặt tại tọa đàm với tư cách khách mời, TS. Bùi Trân Phượng cũng góp ý bổ sung về vấn đề này. Theo quan sát của bà thì trong sách dịch sang tiếng Việt, cùng một từ “power” nhưng khi nói về đàn ông thì được dịch là “quyền lực”, khi nói về phụ nữ thì dịch là “quyền năng”.

Trong bối cảnh đó, một cuốn sách nghiên cứu vừa mang tính dẫn nhập vừa mang tính công cụ như Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới rất cần thiết, đặc biệt với những ai mới tiếp xúc với chuyên ngành này, quan tâm đến những vấn đề như bình đẳng giới, nữ quyền…

TS. Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Cuốn sách trình bày 50 khái niệm then chốt nhất trong nghiên cứu giới. Độc giả không nhất thiết phải đọc cuốn sách từ đầu đến cuối mà có thể đọc không theo thứ tự, hoặc chỉ chọn đọc những thuật ngữ mình quan tâm".

Công trình nghiên cứu ý nghĩa về giới

“Yêu sách của Antigone” không chỉ mở ra cách đọc mới về tác phẩm của Sophocles mà còn là công trình quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu nhân văn.

Công trình giá trị về tín ngưỡng thờ Mẫu

“Điện thần và nghi thức hầu đồng”, “Thánh Mẫu linh tiêm” không chỉ là tư liệu của giới nghiên cứu, mà còn giúp nhiều người biết về cách thức, nghi lễ của hoạt động hầu đồng.

Lập Nhật

Bạn có thể quan tâm