Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chưa biết tiêu tiền thì chưa trưởng thành'

Đồng tiền là ẩn ức về khả năng trí tuệ cơ bản, là năng lực giao tiếp xã hội của một cá nhân. Chưa biết tiêu tiền thì người đó chưa trưởng thành, chỉ như đứa trẻ ngây ngô.

Câu chuyện tiếu lâm Việt Nam quen thuộc nhất về mối quan hệ tam đại đồng đường là “tam đại gàn”. Chuyện kể ông nội sai cháu ra chợ mua một đồng mắm và một đồng tương.

Đứa cháu vác hai cái bát chạy đi nhưng rồi sực nhớ ra, chạy về hỏi: “Ông ơi, đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương?”. Người ông bảo, đồng nào cũng được. Lúc sau, đứa bé chạy về, cầm hai cái bát không, hỏi tiếp: “Ông ơi, bát nào đựng mắm, bát nào đựng tương ạ?”.

Ông tức quá, cầm roi đánh cháu. Đoạn sau thì nhiều bạn đọc đã biết, người bố về mắng ông nội, “ông đánh con tôi, tôi đánh con ông” và lấy roi tự đánh mình.

Người ông điên tiết không chịu kém miếng, “mày đánh con tao thì tao treo cổ bố mày lên”, rồi đi tìm dây thừng để treo mình lên.

Người Việt đọc câu chuyện này thoạt tiên bật cười vì sự “gàn” từ lý lẽ cứng nhắc của ba thế hệ nam giới, nhưng là những lý lẽ rành mạch không bắt bẻ được. Mâu thuẫn chính là ở chỗ, những lý lẽ về sự chính xác của ba nhân vật bị xem như lạc quẻ với văn hóa sống tùy biến của xã hội.

Xã hội đòi hỏi mọi người từ khi là đứa trẻ con ngây thơ đã phải nghiễm nhiên hiểu và vận dụng sự tùy biến trong ứng xử, từ nhà ra chợ.

Nhưng vì sao lại phải là đồng tiền và cái bát? Hình như chính hai món đồ này mới là thứ khiến tiếng cười của người Việt khoái trá hơn. Chúng bắt nguồn từ tính biểu tượng trong trường văn hóa của họ.

Tien cua ke si anh 1

Một bình tiền Cảnh Hưng được tìm thấy ở Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Đạt.

Đồng tiền là ẩn ức về khả năng trí tuệ cơ bản, là chỉ dấu giáo hóa, là năng lực giao tiếp xã hội của một cá nhân. Chưa biết tiêu tiền thì kẻ đó chưa trưởng thành, chỉ như đứa trẻ con ngây ngô.

Có điều, làm sao để một đứa trẻ biết được hai đồng tiền ông nội đưa cho đều ngang giá trị, hay hai cái bát trong mắt ông nó (và cả xã hội) chẳng khác gì nhau, trừ khi cái lành cái mẻ? Nhỡ đâu người ông sẽ thích đựng mắm vào cái bát có cái vết hoa dây chìm? Còn tương thì đựng vào cái bát có màu nhạt hơn?

Nhưng các câu chuyện tiếu lâm Việt Nam hiếm khi dành chỗ cho những tư duy vi tế như vậy. Chúng tỏ ra khá thô bạo khi chế giễu không thương tiếc những lối tư duy khác biệt trong hành vi xã hội. Chúng giống như các giám thị dừng lại trước các vật dụng biểu tượng và không giải thích gì thêm, các thí sinh người đọc vật lộn tìm câu giải đáp.

Tiền là vật dụng mang tính phổ thông nhất của một quốc gia, vì thế sau thời những đồng xu đục lỗ xâu được, tiền giấy có cơ hội ghi dấu ấn thời đại rõ nét hơn.

Người ta đã biết thời nhà Hồ có tiền giấy Thông bảo hội sao, vẽ rau rong, sóng nước, đám mây, tứ linh, song chết yểu như triều đại vắn số, và ngày nay không ai biết mặt mũi những đồng tiền ấy ra sao.

Phát hành tháng 10/1946, 100 đồng được gọi “tờ Con trâu xanh”. Con trâu trong tờ tiền kháng chiến do họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ, có màu xanh lá cây tương phản với những người nông dân đang cày cuốc làm cỏ được in màu nâu xung quanh, tỏ ra là hình tượng nổi bật nhất trên mặt sau tờ tiền khi hợp lực cùng con người trên đồng ruộng. [...].

Sau này, con trâu cũng tái xuất trên đồng tiền hai miền để rồi giờ chỉ còn là một ký ức được thay thế bằng những hình ảnh cơ giới hóa nông nghiệp.

Xét về lịch đại, bao nhiêu người kiến tạo nên nền văn hóa Việt Nam hiện đại đã sống cùng giấy bạc “con trâu xanh” cũng như xưa kia, thế hệ văn chương rực rỡ thời Nguyễn Du đã cùng tiêu những đồng Cảnh Hưng Thông bảo.

Tiền xu, tiền giấy từng xuất hiện rồi cũng có thể biến mất khi bị tiền ảo và thao tác thanh toán điện tử thay thế dần. Gã đàn ông mẫu mực thời nay là có tài khoản chứa số tiền ổn định. Tài khoản ấy luôn đi cùng mã số căn cước công dân. Nghĩa là anh ta phải có danh phận rõ ràng và có nguồn lợi tài chính đảm bảo mới mong tồn tại.

So với nỗi khổ mâu thuẫn tiền bạc và đạo đức của các bậc túc nho xưa, đàn ông bây giờ còn chẳng có lựa chọn nào bởi danh lợi đã thành cặp bài trùng nhét vừa một cái ví.

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY