Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con. Tổng trọng lượng là 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa hết hoàn toàn dịch bệnh. Trao đổi với Zing.vn, một số chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ cho biết đã quyết định ngừng hoạt động, chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác an toàn hơn.
Người đau lòng chôn lợn bệnh, người khốn đốn vì chi phí tăng
"Đâu còn lợn nữa đâu, chết rồi, chôn hết rồi, không nuôi nữa", ông Bộ - một chủ trang trại nuôi lợn ở Đồng Nai nói với Zing.vn chiều 17/12, khi giá lợn hơi gần chạm ngưỡng 95.000 đồng/kg. Ông cho biết dù giá lợn tăng cao suốt nhiều tháng qua, người chăn nuôi không phải ai cũng hưởng lợi.
Tính đến ngày 16/12, ông đã tiêu hủy khoảng 3.000-4.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. "Tôi tính sơ sơ là vậy, chứ buồn quá chả muốn cộng sổ chính xác nữa. May mắn là Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền, coi như giờ tôi thành chủ nợ của Nhà nước, vậy là hạnh phúc lắm rồi", ông Bộ chia sẻ.
Trước tình trạng dịch bệnh hoành hành thời gian qua, ông cho biết sẽ chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác như trâu, bò để đảm bảo an toàn nguồn vốn đầu tư.
Nhiều trang trại nhiễm dịch tả lợn châu Phi, số còn lại an toàn thì chi phí duy trì cũng tăng cao. Ảnh: Nguyễn Văn Hanh. |
Trong khi đó, trang trại Minh Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) của anh Nguyễn Văn Hanh may mắn không bị nhiễm bệnh, nhưng anh cũng chủ động giảm số lượng lợn nuôi để tránh thiệt hại.
Anh cho biết chi phí đầu vào có xu hướng tăng dần trong thời gian qua, đẩy giá thành lợn hơi tăng rõ rệt. Bên cạnh vấn đề sát trùng, chi phí nhân công đang là trở ngại lớn.
"Nhân viên ngày trước có thể rời trang trại về nhà hàng ngày hoặc hàng tuần, nhưng với tình hình dịch bệnh thì phải đến 1 tháng. Bởi vậy, tôi phải tăng lương, bổ sung nhân viên và đưa ra chế độ đãi ngộ tốt hơn trước đây", anh chia sẻ.
Trước năm 2016, lợn hơi có giá khoảng 35.000 đồng/kg, đến giai đoạn 2017-2018 là 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần 1 tuần trở lại đây, giá lợn hơi ở miền Bắc đã lên đến 93.000-95.000 đồng/kg, miền Nam cũng xấp xỉ 95.000 đồng/kg. Thậm chí mới đây, có người trả 2,5 triệu đồng/con lợn giống (dưới 7 kg) nhưng anh vẫn không bán.
Những mức giá này, theo anh Hanh, vốn là mơ ước của nhiều người chăn nuôi cách đây vài tháng, nhưng vẫn không đủ để bù lại chi phí đầu vào hiện nay đối với những trang trại còn lợn và thiệt hại của những trang trại có lợn nhiễm bệnh.
Lợn hơi 95.000 đồng/kg cũng không mua được
Khi được hỏi về vấn đề lợi nhuận của thương lái trong bối cảnh giá cả hiện nay, anh Hanh cho rằng có thể có nhưng không nhiều, vì muốn mua cũng không tìm thấy lợn.
"Xã Phúc Lâm là vùng tập trung chăn nuôi lợn của huyện Mỹ Đức nhưng đến nay chỉ có trang trại của tôi còn lợn. Hầu hết trại bị nhiễm dịch, có 1-2 hộ từng tái đàn nhưng không thành công", anh kể.
Đồng tình với nhận định trên, anh H.Đ. - một thương lái thường mua lợn từ Đồng Nai, Bình Phước lên bán tại các chợ đầu mối ở TP.HCM than khó tìm nguồn cung thịt lợn. "Đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã hết lợn, đóng chuồng, còn cơ sở quy mô lớn còn giữ được lợn thì hét giá cao lắm, mua về cũng khó bán lại", anh chia sẻ.
Giá lợn hơi và lợn thành phẩm liên tục tăng những ngày qua. Ảnh: Trương Khởi. |
Không chỉ người chăn nuôi và thương lái, tiểu thương ở các chợ dân sinh cũng than lỗ vốn. Theo khảo sát của Zing.vn sáng 18/12, giá lợn thành phẩm ở chợ Thiếc (quận 11), chợ An Đông (quận 5) dao động từ 130.000-200.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 đồng/kg so với cách đây vài tuần.
Các tiểu thương cho biết giá lợn mảnh, lợn nguyên con nhập về là 100.000-120.000 đồng/kg. Trong khi đó, sức mua của người dân giảm dần, có ngày ế ẩm, lỗ vốn.
Trước sức ép giá thịt lợn, nhiều mặt hàng khác sử dụng nguyên liệu thịt lợn như bánh mì, hủ tiếu, giò chả... cũng tăng giá. Các hàng quán ở TP.HCM và Hà Nội lần lượt tăng từ 5.000-15.000 đồng mỗi suất ăn từ khoảng 2 tháng trước.
Trong khi đó, giò lụa ở các cơ sở lâu đời cũng dao động từ 200.000-280.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000-50.000 đồng/kg so với giò bò. Cách đây vài tháng, mức chênh lệch thường khoảng 100.000 đồng/kg.