Thông tin trên được ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, chia sẻ tại cuộc họp cổ đông thường niên diễn ra chiều nay (29/5).
Ông Dũng cho biết ban lãnh đạo sẽ sớm tiếp tục các bước để tìm kiếm đối tác phù hợp với giá trị của công ty tài chính này.
Với lộ trình bán vốn tại FE Credit, VPBank có thể bán tối đa 49%, vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu đa số vốn. Nếu bán theo tỷ lệ này, quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi nhưng đổi lại sẽ tìm được đối tác mạnh hơn cho công ty phát triển.
Vị lãnh đạo cũng chia sẻ dự kiến số tiền thu được từ thương vụ bán vốn sẽ được bổ sung vào vốn ngân hàng mẹ để mở rộng hoạt động đầu tư ở 2 phân khúc đang là tiềm năng nhất gồm SME và bán lẻ.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank. Ảnh: Forbes. |
Về quá trình mua lại cổ phiếu quỹ, ông Dũng cho biết ngân hàng dự kiến mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Nguồn vốn thực hiện sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ông Dũng cũng thừa nhận, việc mua cổ phiếu quỹ cũng như một cơ hội kinh doanh, nên ngân hàng có thể sẽ bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài khi được giá hợp lý thay vì phải phát hành trái phiếu.
“Thời điểm chính xác cũng chưa thể quyết định vì cổ phiếu quỹ cũng là một cơ hội kinh doanh, ngân hàng sẽ lựa chọn thời điểm tốt nhất để đầu tư mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, FE Credit hiện chiếm 53% thị phần trong tổng số 16 công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường. Dù gặp khó khăn trong năm 2019, công ty tài chính này vẫn đóng góp 44% lợi nhuận của toàn ngân hàng.
Trong năm 2020, nếu không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, ban lãnh đạo dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận năm nay lên tới 14.000 tỷ đồng trước thuế.
Tuy vậy, do tham gia vào việc giảm lãi suất cũng như chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, VPBank dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế sẽ giảm 1,1% so với năm trước, đạt 10.214 tỷ đông. Nhưng lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ vẫn tăng 15%.
“Nếu diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ quyết tâm đạt được kết quả cao hơn 10-12% so với các chỉ tiêu ở đây. Con số cụ thể tùy thuộc vào mức độ hồi phục kinh tế của Việt Nam và thế giới sau dịch Covid-19”, ông Vinh thông tin.
Cập nhật tình hình kinh doanh của nhà băng, vị tổng giám đốc cho biết, dự kiến đến hết tháng 5 sẽ thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 5.100 tỷ đồng và con số nửa đầu năm có thể đạt 6.000 tỷ đồng.
Về các chỉ tiêu kinh doanh, VPBank dự kiến tổng tài sản năm nay sẽ tăng 12,7%, đạt 425.132 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng hơn 10% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12%. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ngoài ra, với việc ngành ngân hàng chịu những tác động trực diện từ dịch Covid-19 nên ngân hàng cũng xin cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để phục vụ hoạt động kinh doanh.