Bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, cho biết, đã gửi thư cho Thủ tướng để bày tỏ quan điểm ủng hộ mức tăng tiền lương của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 9-10%, so với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 16,8%.
Bức thư cũng được gửi tới các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, và Chủ tịch VCCI.
Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đưa ra quyết định về mức lương tối thiểu vào ngày 3/9/2015. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất mức tăng cao 16,8%, trong khi VCCI đang đề xuất mức tăng thực tế hơn ở khoảng 9-10%.
Trong thư, bà Foote cho biết, Liên minh VBF đại diện cho các Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và 12 hiệp hội thương mại trong và ngoài nước khác, hoàn toàn ủng hộ và đồng quan điểm với VCCI đối với đề xuất tăng lương một cách thận trọng, bởi những lí do dưới đây:
Thứ nhất, lạm phát tại Việt Nam hiện tại đang nằm trong tầm kiểm soát ở mức 2,5% trong năm 2015. Do đó việc tăng lương tối thiểu gấp nhiều lần mức lạm phát là hoàn toàn không tương xứng với mức tăng chi phí sinh hoạt thực tế, và không cần thiết. Hơn nữa, mục tiêu tạo việc làm mới có thể bị chững lại. Bởi các nhà sản xuất và đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, cân nhắc lại kế hoạch chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam.
Bà Virginia B. Foote (phải), đồng Chủ tịch của VBF Việt Nam. |
Thứ hai, mức gia tăng đáng kể này sẽ đẩy lạm phát tăng cao, thậm chí là cả giảm việc làm, có thể tạo ra mất cân bằng xã hội.
Thứ ba, tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam đối với việc thu hút đầu tư sản xuất xuất khẩu từ nước ngoài sẽ bị giảm đi. Đặc biệt trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm nhiều chi phí, và thực tế việc tăng lương tối thiểu trong các nước trong khu vực đã giảm đi rất nhiều.
Bà Foote cho rằng, doanh nghiệp đã và đang đối mặt với việc tăng chi phí cho lao động, bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn và nhiều lợi ích bắt buộc hơn. "Chúng tôi cho rằng, các yếu tố tăng trưởng chi phí này cần được đưa vào cân nhắc, thay vì chỉ nhìn vào mỗi mức lương tối thiểu. Những chi phí này dễ dàng tăng gấp đôi chi phí thực tế mà người sử dụng lao động phải trả, và chi phí này nhìn chung cao hơn ở các nước lân cận. Đặc biệt, mức tăng đề xuất 18% bảo hiểm xã hội cũng cần được xem xét, cân nhắc lại," bà nhận xét.
“Chúng tôi tin rằng đây là vấn đề thiết yếu đối với lợi ích quốc gia, và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Ngài (Thủ tướng) trước quyết định quan trọng này,” bà Foote nhấn mạnh trong thư.
Nâng lương tối thiểu đang là vấn đề gây tranh cãi. Gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng ủng hộ mức tăng 10% cho năm sau, cao hơn đề xuất của VCCI, và thấp hơn so với yêu cầu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.