Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nếu làm tốt các cơ chế, chính sách, TP.HCM sẽ huy động hàng trăm tỷ đồng trong 5 năm tới cho đầu tư phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đây là phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi họp ở tổ Quốc hội chiều 30/5 về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Có thể thu hút hàng trăm tỷ đồng trong 5 năm tới
Theo ông Mãi, TP cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành chuẩn bị ròng rã cả một năm nay để đưa ra bản dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù cùng với dự thảo Nghị định hướng dẫn.
Chính vì vậy, với các cơ chế, chính sách này sẽ giúp cho TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, giúp TP phát triển đúng với vai trò "đầu tàu" để đóng góp vào sự phát triển chung, đại diện cho Việt Nam trong việc hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Theo ông Mãi, với các cơ chế chính sách đặc thù, áp dụng các chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển thành phố như Luật Hợp tác công tư (PPP), trong đó có BOT, BTO, BT, các mô hình phát triển TOD (phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) hay các cơ chế sẽ giúp cho TP.HCM được huy động các nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu.
"Nếu chúng ta làm tốt, tôi tin rằng TP.HCM sẽ huy động hàng trăm tỷ đồng trong 5 năm tới cho đầu tư phát triển", ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Mãi cho hay nếu TP.HCM tổ chức thành công được cơ chế này, sẽ tạo bài học thành công thực tiễn pháp luật của chúng ta. "Hiện Luật PPP trong đầu tư đã có, nhưng nếu thực hiện ở cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM sẽ giúp làm sáng tỏ hơn các ưu điểm và sửa đổi căn bản, tạo hiệu quả PPP trong phát triển của TP và cả nước", ông nói.
Cùng với đó, ông cho rằng TP.HCM sẽ có ít nhất một năm thí điểm, để thực tiễn kiểm chứng, trước khi áp dụng rộng ra các địa phương khác.
Có một nghị quyết riêng để đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Báo cáo thêm về tình hình đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, ông Mãi cho biết hiện TP.HCM đã mời chuyên gia nước ngoài cùng với các cơ quan trong nước đã xây dựng Đề án và trình Thủ tướng. Hiện Thủ tướng đã phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bây giờ đồng chí Thứ trưởng phụ trách.
"Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với TP hoàn thiện Đề án này và sẽ trình cho Quốc hội để Quốc hội có một nghị quyết riêng về trung tâm tài chính", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Theo ông Mãi, đây là vấn đề rất lớn. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng với TP và các bộ, ngành để nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình Quốc hội. "Chúng tôi cũng đang rất cố gắng, nếu được thì sẽ trình cho Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 cuối năm nay", ông Mãi nhấn mạnh.
Song song đó, TP.HCM cũng đang trong tâm thế chuẩn bị một luật đô thị đặc biệt và các vấn đề của trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Do đó, bên cạnh việc tổ chức thực hiện 2 nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 này, TP vẫn còn phải tiếp tục thêm các nội dung khác.
Dẫu vậy, ông Mãi cho rằng khi có được một nghị quyết tương đối đầy đặn cũng chưa phải là giải quyết hết được các vấn đề. "Do vậy, chúng ta phải tiếp tục nhận diện vấn đề, tiếp tục tìm giải pháp và phải tiếp tục báo cáo cơ quan thẩm quyền để cùng giải quyết", ông nói.
Cũng tại buổi dự thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chia sẻ thêm tin vui từ Cục thống kê về tình hình tăng trưởng quý II của TP.HCM. Cụ thể, theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng quý II của TP.HCM đạt 5,87%, trong khi quý I chỉ đạt 0,7%.
"Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, của các cơ quan Trung ương, các bộ ngành. Kết quả này là rất vui", ông nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.