Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 15/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tỏ rõ sự lo lắng trước số ca nhiễm phát hiện qua khám sàng lọc ngày càng tăng. Ông khẳng định giải pháp hiện nay là tăng cường kiểm soát, xét nghiệm diện rộng với các chuỗi chưa xác định nguồn lây.
Điểm lại các chuỗi lây nhiễm, Chủ tịch Phong nhận định "công thức chung" của các chùm ca bệnh là phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Sau đó, ngành y tế phát hiện thêm ca nhiễm qua tầm soát, truy vết nơi ở và chung cư, khu nhà ở tập trung hoặc nơi làm việc. Tất cả đều không xác định nguồn lây.
"Việc càng ngày càng xuất hiện những ca không rõ nguồn lây là rất căng thẳng", ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ sự lo lắng trước số ca nhiễm ngày càng tăng. Ảnh: Huyền Mai. |
Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong đề ra 5 giải pháp mà thành phố cần tập trung thực hiện từ nay đến 21/6.
Nhiệm vụ trước mắt là tăng cường kiểm tra, tầm soát diện rộng các chuỗi lây nhiễm này.
Thứ hai, ông Phong yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ nay đến 21/6, ngành y tế cần sắp xếp lịch để lấy mẫu những công nhân chưa được xét nghiệm trong 280.000 người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Thứ ba là giám sát, tầm soát nơi có nguy cơ cao như chuyến bay quốc tế, quốc nội, tàu lửa, tàu hàng hải nhập cảnh vào thành phố. Ông Phong yêu cầu báo cáo số liệu này về thành phố hàng ngày. Các tổ bay quốc tế cũng cần được giám sát.
Cùng với đó, những ca bệnh sau xuất viện và các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung cũng cần được theo dõi, bởi thực tế nhiều ca hoàn thành cách ly nhưng vẫn nhiễm bệnh.
Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh nhiệm vụ tầm soát các nhóm nguy cơ trong bệnh viện. Ông cho biết đã chỉ đạo tất cả bệnh viện phải có phương án phòng, chống dịch và đề nghị làm tốt. Nhân viên sân bay, chuyên gia nhập cảnh cần tầm soát định kỳ.
Nhắc thực trạng đến nay đã có 39 tỉnh, thành trên cả nước có ca nhiễm, ông Phong yêu cầu lưu ý với người từ địa phương có dịch đến thành phố.
Giải pháp thứ tư là tổ chức cách ly y tế cho người nhập cảnh, người tiếp xúc với các ca bệnh và người về từ vùng dịch.
Cuối cùng, về tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã hình thành tổ công tác về mua và tổ chức tiêm vaccine.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ra những nhiệm vụ cụ thể từ nay đến 21/6. Ảnh: Huyền Mai. |
Về công tác chỉ đạo, Văn phòng UBND TP phân công nhân sự trực 24/7 để theo dõi và phối hợp với Sở Y tế, "ứng xử nhanh" khi có vấn đề.
"Đừng để như tình trạng người ta gọi tới thì không bắt máy hoặc bắt máy nhưng hướng dẫn không đúng", ông Phong nhắc nhở.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết Thường trực UBND TP.HCM đã phân công chính thức Phó chủ tịch Dương Anh Đức tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tạm dừng các công việc khác.
Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống dịch, tận dụng cơ hội để triển khai nhanh chuyển đổi số.
Riêng với các địa phương, ông Phong yêu cầu phân công người dành thời gian, ưu tiên công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ở địa bàn rộng như TP Thủ Đức.
Theo công bố của Bộ Y tế, từ 27/4 đến nay, TP.HCM có 894 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 12/6 thuộc phòng công nghệ thông tin. Chỉ sau 4 ngày được phát hiện, ổ dịch này có 69 người gồm nhân viên y tế và người liên quan.
Ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), giảm từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Toàn thành phố vẫn giãn cách theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần.