Môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế là vấn đề được đại biểu HĐND đặt ra trong phiên chất vấn Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra sáng 8/12.
Trả lời đại biểu, ông Phong lý giải rõ những yếu điểm của môi trường đầu tư TP.HCM và cho biết UBND TP lựa chọn chủ đề 2021 là “năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Nỗ lực thúc đẩy môi trường đầu tư chưa đủ mạnh
Đề cập chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM tụt từ hạng 8 năm 2016 xuống hạng 14 năm 2019, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhận định kết quả này cho thấy môi trường đầu tư của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, đồng thời đề nghị Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giải trình nguyên nhân, đề xuất giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Phong cho biết trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay thì vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 13%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, còn lại là vốn từ doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, thời gian qua, TP đã quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhằm tăng cầu cho kinh tế TP.
Song song với đó, TP cũng đang cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ nhân dân cũng như vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, UBND TP.HCM đã chọn 2021 là năm cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Phong thông tin đến nay, riêng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP trong năm 2020 đã giảm 51% so với cùng kỳ. Dù có 1.300 dự án được cấp phép nhưng mỗi dự án bình quân chỉ trị giá khoảng nửa triệu USD. Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định quy mô như vậy là quá nhỏ, chưa có dự án lớn. Trong dòng dịch chuyển vốn đầu tư của các nước "đang nhìn ngắm" vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Metro là một trong những dự án giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Nguyễn Thành Phong nói thêm trong giai đoạn 2016-2019, chỉ số PCI tăng điểm nhưng không nhiều, chỉ tăng 5,4 điểm trong 4 năm. "Điều này cho thấy nỗ lực thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ mạnh, chưa đột phá", ông Phong thẳng thắn thừa nhận.
Để khắc phục hạn chế này, người đứng đầu chính quyền TP cho biết việc trước hết là xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cao nhất là Chủ tịch UBND TP sẽ chịu trách nhiệm về cải thiện môi trường đầu tư. TP cũng sẽ duy trì và phát huy hiệu quả của tổ công tác đầu tư, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đồng thời, TP sẽ cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, đảm bảo yêu cầu về thời hạn xử lý hồ sơ; có người chịu trách nhiệm; có sự giám sát HĐND và MTTQ; có chế tài vi phạm, khen thưởng; có sự tham gia của doanh nghiệp trong đóng góp quy trình.
Để cải thiện môi trường đầu tư, lãnh đạo TP cũng sẽ xây dựng, công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn. Thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án lớn và hạn chế mời gọi đầu tư các lĩnh vực thâm dụng lao động lớn.
Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, tăng giám sát của nhân dân, báo chí, doanh nghiệp… Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm.
"Chống ngập phải làm đồng bộ"
Như nhiều kỳ họp trước, ngập nước và lấn chiếm vỉa hè tiếp tục là vấn đề được các đại biểu đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhắc lại rằng lấn chiếm vỉa hè là vấn đề được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa có chuyển biến. Bà Trâm cho biết TP từng nói nếu để vỉa hè bị lấn chiếm thì sẽ làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và không xem xét thi đua với địa phương thiếu trách nhiệm trong việc để vỉa hè bị lấn chiếm. Vị đại biểu đặt câu hỏi đã có quận, huyện, sở, ngành nào bị xử lý vì vỉa hè bị tái chiếm hay chưa.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định việc này "không phải phát động mà không có hành động" và cho biết cứ mỗi 6 tháng, với tư cách là Trưởng ban an toàn giao thông của TP, ông đều có sơ kết đánh giá, nhắc nhở, lưu ý các địa phương, đơn vị về công tác vỉa hè, lòng đường. Đồng thời, Chủ tịch TP cũng giao quận, huyện xây dựng tuyến vỉa hè mẫu, cam kết thi đua và xem xét lại kết quả sau 6 tháng.
Ông Phong cho biết thực tế, đơn vị làm tốt thì khen, làm không tốt thì góp ý, phê bình. Mỗi kỳ, ông đều xem xét kiểm điểm và hầu như chủ trì tất cả các cuộc sơ kết, tổng kết về an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, việc khen thưởng, phê bình phải dựa trên yêu cầu rằng đây là cuộc vận động có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
"Một mình chính quyền thì dọn dẹp đến đâu cũng sẽ tái lập tình trạng cũ nên phải có sự vận động vai trò của từng chi bộ, khu phố, phường, xã thế nào mới đạt được kết quả", Chủ tịch TP.HCM nhận định.
Ngập nước vẫn là vấn đề gây bức xúc với người dân TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Còn đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi về vấn đề ngập nước do triều cường vẫn ảnh hưởng đến đời sống người dân dù có nhiều dự án được thực hiện.
Trả lời tại kỳ họp, ông Phong cho rằng để có giải pháp hiệu quả, trước hết phải phân tích được nguyên nhân. Theo chủ tịch TP.HCM, có 5 nguyên nhân gây ra tình trạng trên là lũ đầu nguồn, biến đổi khí hậu, lún đô thị, công tác quản lý chưa tốt và ý thức của người nhân còn kém.
"Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, nhiều tuyến đường không có cống thoát nước, ví dụ quận 2, quận 9 nên công tác nạo vét kênh, mương còn bất cập", ông Phong nói và chống ngập phải làm đồng bộ với giải pháp công trình và phi công trình thì mới giải quyết được vấn đề.