Trong sự kiện Gặp gỡ Huế chiều 5/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị hơn 350 trí thức, doanh nhân là người Huế đang sinh sống ở TP.HCM hiến kể giúp quê hương phát triển với đúng tiềm năng của vùng đất cố đô.
"Chúng ta khẳng định Huế chưa biết cách làm giàu. Huế phát triển như thế nào, đó là một câu chuyện dài. Nhiều bạn bè tôi nói về Huế buồn quá. Vậy làm sao để Huế khỏi buồn, làm sao để Huế phát triển?", ông Thọ đặt câu hỏi.
Bài toán hài hòa giữa bảo thủ và cách tân
Theo ông Thọ, không riêng Thừa Thiên - Huế, nhiều đô thị là cố đô trên thế giới như Kyoto (Nhật Bản), Chiang Mai (Thái Lan), Luang Prabang (Lào) cũng đang phải giải bài toán làm thế nào để có thể phát triển vượt trội.
Chủ tịch Thừa Thiên - Huế khẳng định tỉnh phải phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế. Sự phát triển của Huế phải hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới, nông thôn và thành thị, cái trầm lắng với đổi mới sáng tạo, bảo thủ và cách tân.
Ông Thọ chỉ ra Thừa Thiên - Huế có 4 thế mạnh khác biệt lớn so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam. Đó là số lượng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ; quần thể cố đô Huế còn nguyên vẹn; hệ đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á; hệ tri thức hàng đầu quốc gia với Đại học Huế gồm nhiều trường thành viên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu trước cựu học sinh Huế tại TP.HCM. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn. |
Do đó, Thừa Thiên - Huế phải hình thành mô hình phát triển trên thế mạnh đặc thù riêng của mình. Tỉnh xác định lại mô hình tăng trưởng nhanh dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và bền vững trên nền tảng văn hóa.
Trên cơ sở này, ông Thọ cho biết Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung cho 4 ngành kinh tế. Trong đó, du lịch là mũi nhọn, y tế là ngành quan trọng, công nghệ thông tin là lĩnh vực đột phá và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Giấc mơ Huế không xa xôi
Nhắc đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với TP. Huế là đô thị trung tâm trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô di sản theo Nghị quyết 54 được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2019, ông Thọ cho biết tỉnh có 3 nhiệm vụ lớn trong năm nay.
Đó là xây dựng bộ tiêu chí xác định đô thị di sản đặc thù; mở rộng TP. Huế từ diện tích hơn 70 km2 hiện tại lên quy mô 267 km2; trình cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục tập trung thực hiện cuộc "di dân lịch sử" với các hộ dân đang sinh sống tại khu vực I Kinh thành Huế.
Về tình hình kêu gọi đầu tư, ông Thọ tiết lộ Thừa Thiên - Huế đã làm việc, ký kết hợp tác chiến lược với một số tập đoàn lớn như FLC, Sovico, Ecopark. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư 35 dự án và kỳ vọng trong năm 2020 mỗi tháng sẽ có ít nhất 1 dự án mới khởi công.
Với công nghệ thông tin được xác định là ngành kinh tế đột phá, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu tăng số lượng nhân sự trong lĩnh vực này từ hơn 1.000 hiện tại lên 10.000 người vào năm 2025.
Cố đô Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải. |
"Các anh chị về Huế, thấy Huế đang thay đổi từng ngày trong hạ tầng, vệ sinh môi trường, kêu gọi đầu tư. Huế đang mới, thật sự đang mới. Đâu đó có những điều chưa làm anh chị hài lòng nhưng sẽ dần đi vào quá khứ để hướng tới bức tranh đẹp hơn. Chúng tôi hướng đến một chính quyền thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả", chủ tịch Thừa Thiên - Huế cam kết.
"Chúng ta hướng tới làm sao có một xứ sở hạnh phúc, một giấc mơ Huế không có gì xa xôi. Ở đó người dân có cuộc sống sung túc, có một xã hội bình yên, một chính quyền thân thiện. Huế đủ tiềm năng, thế mạnh, đầy đủ điều kiện, ý chí, trí tuệ để làm điều đấy", ông Thọ khẳng định.
Tháng 12/2019, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 54 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu. Nơi đây cũng sẽ trở thành một trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival; trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.