Sáng 5/10, phiên họp thứ 4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
Đầu buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giới thiệu chỉ có các vị thứ trưởng của một số bộ đến dự. Trước sự vắng mặt của các bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chương trình họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi trước, không phải cuộc họp đột xuất.
“Cơ quan là đối tượng của giám sát, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải sắp xếp đến nghe, theo quy chế làm việc đã được thống nhất”, chủ tịch Quốc hội nói.
Bà Ngân cũng nhận định đây là vấn đề lớn, lại là giám sát tối cao, nghĩa là sẽ trình báo cáo ra để Quốc hội thảo luận. Tại đó, bộ trưởng có thể phải đứng lên giải trình thêm. Vì thế, việc bộ trưởng không đích thân đến nghe Thường vụ thảo luận đề chỉ đạo hoàn thiện thêm nội dung trước khi báo cáo Quốc hội là rất tiếc.
Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm việc vắng mặt của các bộ trưởng dù đã được nhắc nhiều lần nhưng chưa có sửa đổi, cần rút kinh nghiệm ngay.
“Tôi đã nói rất nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng hay đi công tác nước ngoài, còn lại bộ trưởng phải sắp xếp thời gian đến dự họp Thường vụ Quốc hội”, bà Ngân nói. Một lúc sau, Bộ trưởng NN&PTNT đã xuất hiện tại cuộc họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phê bình các bộ trưởng vắng họp. Ảnh: Quochoi.vn. |
Báo cáo kết quả, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng xây dựng nông thôn mới với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng nếu tính tỷ lệ thì hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng so với trên 1 triệu tỷ dành cho xây dựng nông thôn mới thì không phải lớn, nhưng đáng lưu ý là số nợ lại chỉ tập trung ở một số địa phương. Ông Cường hứa sẽ yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp sẽ trả nợ.
“Một huyện của đồng bằng sông Cửu Long đang nợ 390 tỷ đồng. Tôi rất thương cán bộ ở đây vì anh em khổ lắm. Doanh nghiệp hứa góp tiền nhưng chẳng thấy, rồi cấp trên cũng hứa cho nhưng ngân sách do Quốc hội quản lý thì ai mà xin được”, ông Giàu nói.
Ông Giàu góp ý Bộ NN&PTNT cần đề nghị Bộ Tài chính sớm xử lý vấn đề này, nếu không vỡ nợ thì rắc rối lắm, 15.000 tỷ không phải nhỏ.