Chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 7/2021).
Đây là nội dung mới được đưa vào phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và sẽ trở thành nội dung được xem xét thường kỳ.
500 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước tương đối ổn định và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Song, vẫn còn một số đoàn đông người và công dân của các địa phương tập trung tại khu vực trung tâm Hà Nội, nhà riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước… căng băng rôn, khẩu hiệu.
Đặc biệt, trên địa bàn một số quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… hiện có một số trường hợp công dân đến từ 15 địa phương khác thường xuyên khiếu kiện dài ngày, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp không trở về được địa phương.
Ban Dân nguyện đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các công dân này trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để giảm bớt khó khăn và đảm bảo thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
Trưởng ban Dân nguyện cũng nêu con số của Bộ Công an báo cáo với 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương. Trong đó, có vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xem xét, giải quyết hoặc rà soát theo quy định; có vụ việc đã được các cơ quan Trung ương nhiều lần rà soát nhưng công dân vẫn tiếp khiếu kiện.
Việc nhỏ không giải quyết kịp thời sẽ thành việc lớn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định tình hình khiếu kiện tạm lắng là do dịch Covid-19 bùng phát, phải tập trung chống dịch. Còn trong thực tế, đang có rất nhiều vấn đề phức tạp, từ lĩnh vực đất đai tới tài nguyên, môi trường.
“Từ khi tôi về Quốc hội, đến nay đã tháng 4 mà vẫn chưa thấy các cơ quan xúc tiến việc giải quyết khiếu nại tố cáo nào. Chưa nói giải quyết, tháo gỡ được vụ việc gì mà chọn, đưa ra việc gì để giám sát cũng không có. Vậy đơn thư người dân gửi tới Quốc hội, các cơ quan chỉ có một động tác là chuyển đơn?”, ông Huệ đặt vấn đề. Đồng thời, ông yêu cầu phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng về nội dung này phải nêu rõ việc nào đã giải quyết được, việc nào chưa nhằm tạo được chuyển biến.
Ông Huệ yêu cầu xác định từng vụ việc bức xúc, nổi cộm để làm đến nơi đến chốn, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. Có như vậy, tình hình mới chuyển động chứ không dừng ở việc “xuân thu nhị kỳ”, các cơ quan Quốc hội chờ Chính phủ gửi báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo sang, tổng hợp, báo cáo lại rồi gọi là giám sát.
Trong 500 vụ việc phức tạp mà Bộ Công an báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thông tin 73-75% liên quan tới đất đai hoặc tài nguyên khoáng sản; nhiều vụ việc nổi cộm, có tổ chức, có người đứng đầu…
Ông giao Ban Dân nguyện rà soát, phân loại 500 vụ việc Bộ Công an báo cáo để giải quyết căn cơ từng vụ.
“Phải làm cho đến nơi đến chốn việc chứ không người dân dễ cảm thấy là đại biểu, các cơ quan của Quốc hội vô cảm. Việc nhỏ không giải quyết kịp thời thì thành việc lớn, việc lớn không giải quyết kịp thời thì thành đại sự. Phải truy đến cùng trách nhiệm, không thể để hàng trăm điểm bức xúc tồn đọng mãi”, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.