Ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) thông báo đã bị bán hơn 6,7 triệu cổ phiếu PDR trong ngày 28/11.
Đây thực chất là giao dịch bán giải chấp cổ phiếu, do Chứng khoán Maybank và Chứng khoán VNDirect bắt buộc thực hiện do nhà đầu tư không còn đảm bảo đúng tỷ lệ ký quỹ (margin) theo quy định.
Lệnh bán giải chấp diễn ra ngay trước khi cổ phiếu PDR được giải cứu. Trong phiên 29/11, mã chứng khoán này khớp lệnh kỷ lục 94 triệu cổ phiếu (hơn 1.000 tỷ đồng) và được kéo ngay lên mức giá trần 12.800 đồng, thậm chí còn dư mua trần hơn 15 triệu đơn vị khác.
Mặc dù vừa ngắt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp nhưng thị giá PDR vẫn đang thấp hơn 82% so với đỉnh. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hơn 40.000 tỷ sau hơn một năm, còn xấp xỉ 8.600 tỷ đồng.
Cổ phiếu PDR vừa ngắt khỏi chuỗi giảm sàn khốc liêt. Đồ thị: TradingView. |
Các lệnh bán giải chấp ngày 28/11 trên đã khiến tổng sở hữu của nhà sáng lập Phát Đạt giảm về 322,3 triệu cổ phiếu PDR, tương đương nắm giữ 47,99% vốn công ty. Tính theo thị giá mới nhất, số cổ phiếu này có giá thị trường 4.125 tỷ đồng.
Cũng lưu ý đây chỉ là con số tính mới đến phiên 28/11, trong khi nhiều công ty chứng khoán khác trước đó cũng có thông báo sẽ bán giải chấp cổ phiếu của ông Đạt.
Trong giai đoạn cổ phiếu lao dốc, Phát Đạt cũng gặp nhiều áp lực do có thế chấp làm tài sản đảm bảo. Do vậy, công ty bất động sản thời gian qua cũng liên tục bổ sung tài sản đảm bảo hoặc bán bớt tài sản.
Hội đồng quản trị Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phiếu, tương đương với 89% vốn công ty Địa ốc Hòa Bình - chủ đầu tư dự án cao tầng tại số 197 Điện Biên Phủ, TP.HCM - với giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng.
Công ty cũng sử dụng tài sản của công ty Du lịch Quang Hải để bổ sung tài sản bảo đảm cho trái phiếu PDRH2123002 hay dùng tài sản thuộc chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM) để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ cho các trái phiếu lần 1, lần 3, lần 6, lần 7 của năm 2021 và lần 1 năm 2022...
Phát Đạt cũng vừa mới lên tiếng về văn bản số 3815/CSKT-P5 của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công An đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu, phục vụ công tác xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.
Theo đó, công ty khẳng định văn bản trên chỉ đề nghị Phát Đạt cung cấp hồ sơ tài liệu phục vụ công tác xác minh để Bộ Công An điều tra một vụ án khác, không liên quan đến công ty.
Công ty bất động sản cũng nói rằng không liên quan đến Tổng Công ty Lương thực Miền Nam; không ký kết, nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Vĩnh Hội.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...