Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch OCB: 'Chúng tôi không làm giá cổ phiếu, thị trường tự quyết'

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn khẳng định giá cổ phiếu ngân hàng này đang thấp hơn mặt bằng chung nhưng về dài hạn, định giá sẽ phản ánh đúng bản chất doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi tại sao OCB có tỷ suất sinh lời thuộc nhóm đầu ngành nhưng định giá cổ phiếu rất thấp so với các ngân hàng khác, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn khẳng định ban lãnh đạo "chỉ có thể nỗ lực làm việc tốt còn giá cổ phiếu do thị trường quyết định".

Cổ phiếu OCB niêm yết tại HoSE vào ngày 29/1 và giao dịch ở 23.350 đồng theo giá đóng cửa phiên sáng hôm nay 28/4, khi ngân hàng này đang tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Định giá cổ phiếu OCB theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) là 6,8 còn P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) là 1,4. Trong khi đó, P/E và P/B bình quân của ngành ngân hàng là 13,4 và 2,1, theo YSRadar.

“Giá cổ phiếu cuối cùng sẽ phản ánh bản chất”

Chủ tịch OCB cũng nhìn nhận giá cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp hơn so với mặt bằng chung thị trường. Theo ông Tuấn, các ngân hàng tư nhân cùng quy mô với OCB có P/E bình quân 10-11 lần còn P/B trung bình khoảng 2 lần.

“Chúng tôi tự tin mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy. Về dài hạn, cuối cùng giá cũng phải thể hiện bản chất hoạt động của ngân hàng. Chúng tôi không hề có chủ trương làm giá cổ phiếu và thị trường sẽ tự quyết định”, ông Tuấn chia sẻ với cổ đông.

Năm nay, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với kết quả 2020. Ông Tuấn cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao những năm qua và duy trì được vị thế trong nhóm đầu về hiệu suất sinh lời.

OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 2021 tăng 25%
Lợi nhuận trước thuế của OCB từ năm 2017
Nhãn20172018201920202021F
Lợi nhuận trước thuế tỷ đồng 10222202323144195500

Với quy mô tổng tài sản mới ở nhóm ngân hàng tầm trung với hơn 160.000 tỷ đồng đến hết quý I, ông Tuấn cho rằng điểm khác biệt của OCB với các nhà băng khác là tất cả tài sản đều sinh ra tiền. Ngân hàng không lãng phí khoản tài sản nào và có tỷ lệ các khoản phải thu, lãi dự thu rất thấp.

Đồng thời, ngân hàng ứng dụng số hóa ở mức cao vào vận hành, quản trị chặt chẽ giúp năng suất lao động của nhân viên tăng và giảm chi phí. Ông Tuấn tự hào chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập) của OCB thuộc nhóm thấp nhất ngành.

Chủ tịch OCB chia sẻ thêm thời gian qua, một số tổ chức nước ngoài quan tâm đến cổ phiếu OCB nhưng ngân hàng không kịp phát hành riêng lẻ cho đối tác trước khi lên sàn. Năm nay, nhà băng này có kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ với Zing bên lề đại hội cũng không biết lý do tại sao cổ phiếu bị định giá thấp. Theo ông, nhiệm vụ của ban điều hành là phải tiếp tục làm ngân hàng hoạt động tốt và cải thiện công tác quan hệ nhà đầu tư.

Ông Tùng cho biết trước đây, HĐQT, ban điều hành dành toàn bộ thời gian vào công việc nội bộ và thời gian tới sẽ chia sẻ thông tin nhiều hơn với nhà đầu tư.

FLC chỉ là một trong 19 đối tác

Tại đại hội, ông Tùng nhận được câu hỏi về mối quan hệ đối tác chiến lược với FLC. CEO OCB cho hay đây chỉ là một trong 19 đối tác của nhà băng này và để trở thành ngân hàng bán lẻ, OCB sẽ cần nhiều đối tác như vậy để cùng phát triển hệ sinh thái khách hàng.

“Đây là mối quan hệ liên minh chứ không phải hai bên đầu tư sở hữu vốn của nhau. Có thể có người khen, người chê nhưng FLC có hệ sinh thái và chúng tôi có thể tiếp cận hành khách của Bamboo Airways, khách mua nhà của họ và hưởng lợi”, ông Tùng trả lời cổ đông.

CEO OCB cũng cho biết một trong những mục tiêu trọng tâm của ngân hàng là phát triển các hệ sinh thái, gia tăng quy mô khách hàng, qua đó nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

ngan hang ocb anh 1

Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn phát biểu tại đại hội cổ đông. Ảnh: OCB.

Một vấn đề khác được cổ đông nhà băng này quan tâm là hoạt động kinh doanh chứng khoán mang về lợi nhuận lớn năm qua nhưng liệu có thể tiếp tục duy trì trong năm 2021. Ông Tùng cho biết thực chất ngân hàng chỉ kinh doanh trái phiếu Chính phủ chứ không hề giao dịch cổ phiếu như nhiều cổ đông thường nghĩ về khái niệm “chứng khoán”.

CEO OCB cho biết việc mua bán trái phiếu Chính phủ là nghiệp vụ tất cả ngân hàng đều thực hiện. Rủi ro từ hoạt động này không đáng kể và OCB đã đầu tư vào nhân sự và hệ thống để có thể kiếm lợi nhuận từ trái phiếu Chính phủ khi môi trường lãi suất diễn biến thuận lợi.

Tuy nhiên, các điều kiện khách quan cho giao dịch trái phiếu Chính phủ không phải lúc nào cũng tích cực. Trong quý I, lợi nhuận từ hoạt động này cũng giảm so với cùng kỳ năm trước do tác động từ môi trường lãi suất nhưng vẫn đi đúng kế hoạch.

Ngân hàng đã có lộ trình giảm dần tỷ trọng đóng góp của mảng kinh doanh này trong tổng thu nhập hoạt động (TOI). Giám đốc Tài chính OCB Nguyễn Thị Thúy thông tin thu nhập từ trái phiếu Chính phủ dự kiến chiếm 17% TOI của ngân hàng năm nay, thấp hơn mức 24% của 2020.

Cổ phiếu ngân hàng kéo chứng khoán tăng mạnh

Sau phiên 22/4 mất 40 điểm, VN-Index nhanh chóng hồi phục mạnh với mức tăng 21 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm