Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị với tư cách đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hàng loạt đề xuất cho thành phố trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
"Nếu tiếp tục đóng cửa thì không chịu nổi"
Chia sẻ với những tổn thất, mất mát, đau thương mà TP.HCM phải gánh chịu trong thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nên có hình thức tưởng niệm đồng bào, đồng chí mất trong đại dịch. Đến nay, số ca tử vong của TP.HCM đã lên tới gần 16.000, còn cả nước là hơn 22.000.
Sắp tới, Quốc hội họp cũng sẽ có hình thức tưởng niệm. Nhưng TP.HCM nên có hình thức phù hợp để tưởng niệm những mất mát, đớn đau do đại dịch Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Chủ tịch nước ủng hộ chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện kiểm soát tốt dịch. Tuy nhiên, ông nhắc nhở cần hiểu rõ ràng, nhất quán về thích ứng an toàn với dịch. Ví dụ thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp đặt câu hỏi thế nào là an toàn.
Do đó, TP.HCM nên có tiêu chí để quản lý an toàn, chặt chẽ. Nếu không, việc mở cửa rồi lại phải đóng lại sẽ rất khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự thành công, bền vững của TP.HCM phụ thuộc vào khả năng phục hồi và thích ứng.
"Ta cần giải quyết hậu quả do giãn cách xã hội để khôi phục kinh tế, nếu tiếp tục đóng cửa thì không chịu nổi. Trước hết là đói nghèo, không chỉ tăng trưởng âm mà có thể phát sinh nhiều điều tồi tệ, bần cùng sinh đạo tặc. Nếu kéo dài có thể dẫn tới hàng triệu người mất lao động, nghèo đói, suy dinh dưỡng, gia tăng bất bình đẳng...", ông cảnh báo.
Ông Dương Anh Đức thay mặt UBND TP.HCM báo cáo tại hội nghị. Ảnh: HMC. |
Để khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cần tập trung vào 5 nhiệm vụ thiết yếu.
Thứ nhất là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt để nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, người lao động. Một lần nữa, ông nhấn mạnh các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", mỗi nơi một kiểu mà cần tạo nên một quốc gia thống nhất.
Thứ hai là khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân... Ông Phúc nhấn mạnh "cỗ xe tam mã" tạo động lực cho TP.HCM phát triển là xuất khẩu - thị trường nội địa - thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Thứ ba là Việt Nam cần có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để tận dụng nguồn lực. Ví dụ có thể dùng nợ công để tăng ngân sách ứng phó với Covid-19 như gợi ý của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.
Thứ tư là giải quyết vấn đề lao động, việc làm. Chủ tịch nước cho rằng trong 100 người về thăm quê thì có tới 60-70 người muốn quay lại thành phố. Do đó, TP.HCM cần thấu hiểu tâm lý và có chính sách phù hợp để đưa người lao động trở lại, ví dụ như tiêm vaccine mũi 2, cải thiện điều kiện nhà ở hay các gói an sinh.
Thứ năm là đảm bảo an sinh xã hội, bao gồm cả chính sách an sinh và sức khỏe tinh thần cho các nhóm bị tổn thương trong và sau đại dịch. Ông Phúc nêu kinh nghiệm của Hà Nội là "bơm" vào ngân hàng chính sách trên 300 tỷ đồng để cho vay không lãi, coi như "cần câu" để hỗ trợ người lao động.
Nếu không sáng tạo, TP.HCM sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế
Về định hướng thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM cần tập trung tìm ra động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, tổ chức lại ngành y tế...
Ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hàng loạt đề nghị cho TP.HCM như: Tạo ra quận kinh tế mới có giá trị gia tăng cao, tạo cơ hội việc làm; đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng; đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận và hưởng lợi để phát triển nông nghiệp số, thương mại số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Chủ tịch nước cũng gợi mở phương án phân bổ lại để thay vì di chuyển lao động đến thành phố sẽ dịch chuyển cơ sở sản xuất đến thị trường lao động.
"TP.HCM với tư cách là anh Hai Nam Bộ nên chú trọng chính sách, cơ chế phân công giữa các địa phương để chuẩn bị cơ sở sản xuất đến với nguồn lao động dồi dào", ông Phúc nói.
Chủ tịch nước đề nghị nghiên cứu để có liên kết vùng rõ hơn giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: HMC. |
Gợi mở TP.HCM nên hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: "Nếu không sáng tạo, thành phố sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế trong nước, dễ mất đi vị thế của hòn ngọc viễn đông".
Về giải pháp thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM chịu tác động tiêu cực của đại dịch nên chính sách hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp cần cao hơn mức chung của cả nước. TP.HCM cũng cần nâng cao năng lực quản trị của chính quyền các cấp, chính quyền phải sát dân, lo cho dân hơn. Ông cũng nhắc nhở thủ tục hành chính tại TP.HCM còn chậm và cần giải quyết điểm nghẽn này.
Ngoài ra, TP.HCM cần sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực như nhiều quốc gia trên thế giới. Chủ tịch nước cho biết nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư nhưng TP.HCM "đang chậm quá".
Thành phố cũng cần có chương trình trung hạn về phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2025 để lấy đà tăng trưởng, tạo sức bật cho năm sau. Với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM lên 23% ngay đầu năm 2022 để thành phố có thêm nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý kế hoạch tái phát triển, tái kiến thiết sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai... Ông Phúc cũng gợi ý cho TP.HCM về việc tổ chức đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, phát hành trái phiếu để có thêm nguồn thu cho thành phố.