Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước: Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Singapore rất phong phú

Nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore.

Tại sự kiện diễn ra hôm 25/2, Chủ tịch nước kể lại câu chuyện cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam - từng phát biểu đề cao vị thế địa chính trị, tài nguyên, nguồn nhân lực con người Việt Nam rằng “Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

“Câu nói đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của ngài Lý Quang Diệu và luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Cam kết của Việt Nam

Chủ tịch nước khẳng định năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng toàn cầu, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Việt Nam đã và đang tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả tích cực.

Đầu tiên, Chủ tịch nước cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, GDP cả năm tăng 2,58%.

chu tich nuoc tham singapore anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Singapore tại khách sạn Shangri-la. Ảnh: Thuận Thắng.

Thứ hai, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% với gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Thứ ba, Việt Nam đã vượt lên là một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Thứ tư, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ, là nước đứng thứ ba ASEAN và xếp hạng 14/50 khu vực châu Á về quy mô kinh tế Internet.

Chủ tịch nước chỉ ra nhiều nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai.

"Đến nay, Việt Nam có trên 34.600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư trên 415 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ", Chủ tịch nước thông tin tại sự kiện.

Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới năm 2020.

Theo Chủ tịch nước, bước sang 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Thứ hai, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm.

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. Thứ tư, đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng. Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Mục tiêu 2022 là phấn đấu tăng GDP đạt 6-6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Chủ tịch nước tuyên bố. “Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng GDP 2022 của Việt Nam có thể tăng khoảng 6,5%, báo cáo Oxford Economics (12/2021) dự báo là trên 6%”.

chu tich nuoc tham singapore anh 2

Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Singapore thu hút gần 100 tập đoàn, công ty tiêu biểu hai nước tham gia. Ảnh: Thuận Thắng.

Chủ tịch nước cho biết trong các Chiến lược và kế hoạch phát triển đến 2025 và 2030, Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như phát huy tốt nội lực để phát triển nhanh, bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế số hay hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Theo đó đến 2025, GDP tăng bình quân đạt 6,5-7%/năm, kinh tế số đạt 20% GDP.

Trong khi đó, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI, sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quan hệ phát triển tốt đẹp

Theo Chủ tịch nước, quan hệ Việt Nam - Singapore đang bước sang giai đoạn phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo 2 nước khuyến khích kết nối 2 nền kinh tế hiện nay hướng đến tầm cao mới là “kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số”, toàn diện về đầu tư, thương mại, tài chính, giáo dục đào tạo, logistic, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ...

Chủ tịch nước cũng gợi mở một số định hướng để góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore.

Thứ nhất là đẩy mạnh, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, hai nước cũng sẽ phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế trong ASEAN và khu vực, phát huy hiệu quả của hiệp định CPTPP, đưa hiệp định RCEP đi vào triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích cho các nước thành viên và toàn khu vực

Thứ ba, triển khai nâng tầm Hiệp định kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số, mở cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh. Các doanh nghiệp Singapore chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ngày 25/2, các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đã ký 28 thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị hơn 10 tỷ USD.

chu tich nuoc tham singapore anh 3

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank và đại diện công ty Thought Machine trao thỏa thuận hợp tác và hợp đồng về tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến cho dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Nổi bật có HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Thought Machine - nhà cung cấp giải pháp ứng dụng lõi cho các ngân hàng hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam, HDBank hợp tác với Thought Machine để triển khai giải pháp ngân hàng lõi thế hệ mới nhất nhằm thay thế giải pháp ngân hàng lõi hiện tại và xây dựng tiêu chuẩn mới cho công nghệ này trong tương lai.

HDBank và Thought Machine cam kết hợp tác phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ trên nền tảng đám mây Amazon Web Services (AWS) cho lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Cụ thể, Thought Machine sẽ cung cấp các hệ thống đổi mới sáng tạo cho HDBank nhằm hỗ trợ HDBank tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại linh hoạt, chủ động ứng dụng công nghệ ngân hàng lõi sử dụng kiến trúc dịch vụ siêu nhỏ (Microservices) dựa trên nền tảng công nghệ đám mây.

Trước đó, vào sáng 25/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Wong Kim Yin, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore. Sembcorp là đơn vị triển khai 10 dự án Khu công nghiệp VSIP tại 7 địa phương ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư 15,4 tỷ USD.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tiếp ông Loh Chin Hua, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel. Chủ tịch nước ghi nhận hiệu quả đầu tư cũng như sự phối hợp của tập đoàn với các đối tác lớn tại Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị tập đoàn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hạ tầng và đô thị thông minh hay những dự án cần quy mô lớn, đổi mới sáng tạo, có tính lan tỏa cao tại Việt Nam.

Đến nay, Singapore là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN với gần 2.900 dự án và 66,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2/140; kim ngạch thương mại 2021 đạt 8,3 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Singapore cũng là cửa ngõ để các tập đoàn đa quốc gia và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam và giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thế giới. Đầu tư, kinh doanh hai bên có tính liên kết và bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore

Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Myanmar.

Chủ tịch nước hội kiến chủ tịch Quốc hội Singapore

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Singapore, chiều 25/2 tại Nhà Quốc hội Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin.

Thuận Thắng

Từ Singapore

Bạn có thể quan tâm