Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước lo Đồng bằng sông Cửu Long bùng dịch

"Khả năng bùng dịch ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới sẽ gây sức ép y tế lớn cho cả vùng. TP.HCM có thể phải chi viện cho các tỉnh miền Tây", Chủ tịch nước nói.

Sáng 9/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc trực tuyến với cử tri TP.HCM trước thềm kỳ họp thứ 2 khóa XV, diễn ra sáng 9/10.

Hơn 20 ý kiến của các giám đốc bệnh viện, bác sĩ chuyên ngành, đại diện trạm y tế xã/phường đã được chia sẻ trong cuộc tiếp xúc kéo dài hơn 4 giờ của Chủ tịch nước.

Đồng bằng sông Cửu Long bùng dịch, TP.HCM không thể chỉ lo bản thân

Ghi nhận ý kiến cử tri, Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng và khó khăn trong tổ chức, quản lý y tế ở một địa phương lớn như TP.HCM. Ông đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu các đề xuất về nâng cao năng lực nguồn nhân lực; tháo gỡ bất cập trong chi phí cho ngành y tế; đầu tư vào y tế cơ sở...

Đồng tình với sự điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn với dịch, song người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh cần có chương trình kiểm soát tốt hơn trong quá trình này.

tiep xuc cu tri nganh y te anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM nâng cao độ phủ vaccine song song với cải thiện năng lực điều trị. Ảnh: H. Vũ.

Về giai đoạn phục hồi và tái thiết của TP.HCM, ông đề nghị thành phố nâng cao độ phủ vaccine song song với cải thiện năng lực điều trị, rút kinh nghiệm từ quá trình chống dịch trước đây. Đồng thời, địa phương phải tiếp tục kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn khi tất cả các điểm đến có thể là nguy cơ lây nhiễm.

"Khả năng bùng dịch ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian tới sẽ gây sức ép lớn về y tế cho cả vùng. Với kịch bản lực lượng chi viện Trung ương rút đi, TP.HCM có thể phải chi viện cho các tỉnh miền Tây", Chủ tịch nước lo ngại.

Theo ông, cơ sở và kinh nghiệm khu vực ĐBSCL còn yếu, trong khi TP.HCM là trung tâm vùng lớn nhất nên không thể chỉ lo cho bản thân. Do đó, thành phố cần lường hết các tình huống để ứng phó chủ động, hiệu quả với dịch bệnh.

Một mục tiêu khác được Chủ tịch nước đề cập là nghiên cứu nguồn lực đầu tư cho y tế trong kế hoạch đầu tư công 5 năm. Cùng với đó là nghiên cứu chế độ đặc thù, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên đội ngũ phòng, chống dịch và phát huy trí tuệ trong ngành y tế.

3 trụ cột trong kế hoạch phục hồi kinh tế

Tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi chia sẻ sau đợt dịch này, TP.HCM sẽ phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm trong ứng phó tình huống an ninh phi truyền thống.

Trong kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của TP.HCM, trụ cột đầu tiên là củng cố hệ thống y tế gồm: Y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi. TP.HCM tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình "3 tầng điều trị", đặc biệt quan tâm củng cố y tế cơ sở.

Thừa nhận y tế dự phòng, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, Chủ tịch TP.HCM cho biết khi dịch xảy ra, những bất cập này lộ rõ. Thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm, đầu tư đúng mức, trong đó có đầu tư trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm và cấp cứu xứng tầm với một đô thị lớn, đông dân.

tiep xuc cu tri nganh y te anh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến các cử tri ngành y tế. Ảnh: Thu Hằng.

Trụ cột thứ hai trong kế hoạch của thành phố là an sinh xã hội. Thành phố rất quan tâm việc đưa người lao động về quê cũng như đón lại thành phố. Bên cạnh đó, chương trình nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp sẽ được tập trung quan tâm để cải thiện chất lượng sống cho nhóm này.

"Qua đợt dịch vừa rồi, bên cạnh TP phát triển năng động còn một góc khuất về dân cư, nhà ở cần được khắc phục. Như vậy, sự phát triển mới bền vững về cả y tế, xã hội, an sinh cho người dân", ông Mãi nói.

Trụ cột thứ ba lãnh đạo thành phố đề cập là các nhóm cơ chế chính sách. Trong khi chờ đợi chính sách chung từ Trung ương, TP.HCM sẽ thí điểm cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn mà trước mắt là thí điểm với các vấn đề bức xúc.

Dự kiến tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi trong tháng 10

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi ngay trong tháng 10.

TP.HCM có tổ chức tìm việc cho lao động thất nghiệp?

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nói ai cần tìm việc làm có thể đến Trung tâm giải quyết việc làm của Sở LĐTB&XH hoặc Đoàn Thanh niên TP để được hỗ trợ miễn phí.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm