Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước: Báo chí giúp ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm

Chủ tịch nước đề nghị báo chí cả nước, trong đó có báo chí tại TP.HCM phản ánh trung thực, kịp thời các diễn biến quan trọng trong đời sống và kiến nghị của nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 20/6, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 161 cơ quan báo chí Trung ương với đủ các loại hình báo chí đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú, 19 cơ quan báo chí của thành phố.

Chủ tịch nước nêu rõ cùng với hệ thống báo chí cách mạng cả nước, các cơ quan báo chí TP.HCM luôn phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước và TP.HCM; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, đúng định hướng, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.

Ngay bao chi Viet Nam anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP.HCM. Ảnh: TTXVN.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và tất cả người làm báo cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nhắc lại giai đoạn TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam gánh chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19 gần một năm trước, Chủ tịch nước biểu dương đội ngũ các phóng viên, nhà báo đã không quản khó khăn, nguy hiểm, lăn lộn ngày, đêm trên tuyến đầu chống dịch; có mặt ghi hình, đưa tin tại các điểm nóng, kịp thời phản ánh tình hình dịch bệnh; tôn vinh gương người tốt việc tốt, các nhà hảo tâm trong chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều phóng viên, nhà báo của thành phố là những tấm gương điển hình trong phòng, chống dịch, góp phần nhân lên những nét đẹp trong cuộc sống, khẳng định truyền thống, đạo lý nhân ái của dân tộc.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng kịp thời phản ánh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM trong quyết tâm khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội sau đại dịch, lấy lại vị thế, tầm vóc đà tăng trưởng của thành phố.

Nêu những lời căn dặn đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Chủ tịch nước khẳng định bên cạnh những thành tựu to lớn của đất nước, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng, những bức xúc của người dân chưa được báo chí phản ánh đầy đủ, kịp thời.

Do đó, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng báo chí cả nước, trong đó có báo chí tại TP.HCM phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; cũng như dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân mong muốn gửi tới Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó các cơ quan Nhà nước có phản ứng chính sách kịp thời.

Đó cũng là hành động cụ thể góp phần xây dựng "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" và thực hiện chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngay bao chi Viet Nam anh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho các lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TTXVN.

Cùng với đó, tiếp tục đóng góp đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước.

Qua các bài báo phản ánh, những phóng sự điều tra, báo chí có thể "cảnh báo sớm" để các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không thể và không dám tham nhũng, tiêu cực; giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các sai phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn, vụ án lớn gây thiệt hại rất lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo cả nước cần xác định tuyên truyền về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến.

Chủ tịch nước cũng mong muốn đội ngũ những người làm báo tại TP.HCM là nhân tố tích cực, là lực lượng xung kích của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM, quảng bá hình ảnh con người và thành phố luôn năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội, góp phần xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp để báo chí tăng tiềm lực

Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan nghiên cứu giải pháp phù hợp để tăng cường tiềm lực của báo chí.

TTXVN

Bạn có thể quan tâm