Bà Christine Lagarde bị cáo buộc sơ suất khi thực hiện khoản bồi thường 400 triệu euro cho doanh nhân Bernard Tapie. Ảnh Getty. |
Hãng tin Reuters dẫn lời luật sư của bà Christine Lagarde, Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết bà sẽ phải hầu tòa ở Pháp liên quan đến khoản bồi thường cho doanh nhân Bernard Tapie năm 2008.
Ông Tapie từng đối mặt với cáo buộc hỗ trợ bất hợp pháp cho cuộc tranh cử Tổng thống của ông Nicolas Sarkozy năm 2007.
Chủ tịch IMF bị cáo buộc "phạm tội do bất cẩn" bởi khi làm Bộ trưởng Tài chính Pháp hồi năm 2008, dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Hãng tin BBC cho hay, năm 1993, từng là một trong những cổ đông chính của Adidas, doanh nhân Tapie đã bán cổ phần để trở thành bộ trưởng nội các. Cổ phần của ông được bán cho Ngân hàng quốc doanh Credit Lyonnais, sau đó ngân hàng bán lại với giá cao hơn nhiều lần.
Ông Tapie sau đó kiện ngân hàng Credit Lyonnais trong vụ bán lại cổ phần, cáo buộc ngân hàng bán nhà nước này đã lừa ông bằng cách cố tình giảm giá trị của công ty.
Vụ việc được bà Christine Lagarde đã chuyển tới một ban hội thẩm gồm 3 thành viên. Và ban hội thẩm này đã ra phán quyết, dưới sự phê chuẩn của bà Christine Lagarde, có lợi cho ông Bernard Tapie - được nhận bồi thường 400 triệu Euro.
Theo hãng tin Reuters, vụ kiện lẽ ra phải được xử lý trước tòa theo trình tự pháp luật, song chính phủ của Tổng thống Sarkozy đã chọn việc dàn xếp, lấy ngân sách quốc gia để bồi thường theo yêu cầu của ông Tapie.
Các nhà điều tra nghi ngờ đây là thỏa thuận để ông Nicolas Sarkozy có được sự ủng hộ của vị doanh nhân, theo hãng tin BBC.
Ông Bernard Tapie nhận 400 triệu Euro đền bù tiền bán cổ phần Adidas. Ảnh AFP |
Tòa án Pháp từng ra lệnh làm rõ những nghi vấn về việc bà Christine Lagarde đã lạm dụng quyền lực ký một số khoản tiền cho nhà tài phiệt Bernard Tapie.
Nghi ngờ gian lận, tòa hình sự đã hủy kết quả trọng tài phán quyết bồi thường cho ông Tapie, đồng thời cáo buộc Bernard Tapie cùng năm người khác vì tội lừa đảo có tổ chức.
Ngày 3/12 vừa qua, tòa án Pháp phán quyết rằng ông Tapie không được phép nhận bất kỳ khoản đền bù nào đối với vụ bán cổ phần, và phải trả lại 400 triệu Euro cùng tiền lãi. Phán quyết của tòa là một đòn nặng cho doanh nhân này trong vụ tranh tụng kéo dài suốt 20 năm qua. Bản án có hiệu lực thi hành lập tức, BBC bình luận.
Vụ việc sẽ được xét xử tại Tòa án công lý Cộng hòa Pháp. Đây là tòa án đặc biệt được lập ra để điều tra hành vi của các Bộ trưởng.
BBC dẫn lời phát ngôn viên của cơ quan tư pháp Pháp nói bà Lagarde sẽ có năm ngày để kháng nghị, sau khi tòa án thông báo quyết định vào thứ Sáu hoặc thứ Hai 21/12.
Sau khi nhận lệnh hầu tòa từ Tòa án công lý Cộng hòa Pháp, người đứng đầu IMF cho biết vào hôm thứ Năm 17/12 rằng bà sẽ kháng cáo quyết định này của tòa án Pháp.
Bà Christine Lagarde khẳng định đã hành động vì lợi ích tốt nhất của nhà nước Pháp và tuân thủ đúng luật pháp.
Chủ tịch IMF cho rằng các công tố viên rằng không có cơ sở nào để buộc tội bà, đồng thời sẽ ủy quyền cho luật sư kháng nghị quyết định này của tòa án.
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Gerry Rice của IMF, "tiếp tục bày tỏ niềm tin vào khả năng của vị giám đốc điều hành trong việc thực hiện trách nhiệm một cách hiệu quả".
Bà Lagarde thay thế ông Dominique Strauss-Kahn vào vị trí điều hành IMF năm 2011.
Ông Strauss-Kahn - cũng từng là một bộ trưởng của Pháp - đã từ chức sau khi bắt giữ ở New York do cáo buộc tấn công tình dục, tuy sau đó cáo buộc đã được bãi bỏ.
Bà Lagarde được tạp chí Forbes xếp ở vị trí số 6 trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2015, và đứng thứ 23 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới trong cùng năm.