Liên quan đến việc người dân huyện Điện Biên phản ánh những bất thường về chất lượng và giá cả bò giống được cấp trong chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Bùi Hải Bình đã lên tiếng thông tin.
Theo ông Bình, việc cấp bò giống sinh sản hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn huyện được thực hiện theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, báo cáo sơ bộ cho thấy số lượng con giống gia súc đã cấp phát là 2.160 con bò. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ 457 hộ tương ứng 549 con; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ 1.200 hộ dân, số lượng bò giống là 1.611 con.
Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo QĐND. |
Theo ông Bùi Hải Bình, trên địa bàn huyện Điện Biên có 21 xã, trong đó có 18 xã triển khai thực hiện dự án cấp bò giống sinh sản theo chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian qua chính quyền nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc dự án cấp bò gầy, yếu và giá cao hơn so với giá thị trường tại một số xã. Ngay khi nhận được phản ánh, huyện đã thực hiện kiểm tra tại các xã về những nội dung liên quan.
Về quy trình thực hiện dự án, ông Bùi Hải Bình cho biết: Thứ nhất, xã làm chủ đầu tư tiến hành hợp đồng với tổ cộng đồng (tổ cộng đồng được thành lập từ bản, gồm có tổ trưởng, tổ phó và các tổ viên - là đối tượng được thụ hưởng của dự án). Tiếp đó, các tổ cộng đồng lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, cung ứng giống thực hiện theo đúng Luật chăn nuôi. Sau đó, xã giao cho Tổ cộng đồng trực tiếp "mắt thấy tay sờ" trước khi nhận bò giống.
Đề cập về giá cả, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên khẳng định, huyện "rất cẩn thận" sau khi tham khảo giá cả thị trường. Sau quá trình khảo sát, huyện chọn tiêu chí giá rẻ nhất và chọn đơn vị cung ứng trông thấy gần nhất mới đưa ra kết luận giá là 100 nghìn đồng/kg.
"Hội đồng thẩm định giá của huyện dựa trên cơ sở chứng thư thẩm định giá, sau đó xem lại và nhìn ra địa phương khác, tìm đơn vị có uy tín với thị trường và giá cả rẻ để lựa chọn. Mình cũng làm hết trách nhiệm, hết mình", ông Bình bày tỏ.
Theo ông Bình, đến ngày 18/1 tới đây, huyện sẽ có báo cáo tổng thể về việc triển khai dự án. Quan điểm của huyện là, ai làm sai người ấy phải chịu trách nhiệm với pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Liên quan đến nội dung trên, ngày 15/1, ông Chu Văn Bách - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Điện Biên cũng cho biết, huyện đang lập các đoàn kiểm tra hồ sơ và chất lượng con giống thuộc dự án nêu trên. Trong quá trình kiểm tra thấy hồ sơ và con giống không đảm bảo theo quy định của Luật chăn nuôi. Huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư và đơn vị cung ứng, rồi tiến hành họp bàn với Tổ công tác cộng đồng để đưa ra các phương án xử lý phù hợp.
Còn ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên xác nhận: Xã có 9 Tổ cộng đồng, với 185 hộ, mỗi hộ được thụ hưởng 1 con bò giống. Tuy nhiên, con giống không tốt nên hai bên thống nhất xin dừng dự án. Do vậy, xã tổ chức họp và thống nhất thu hồi lại toàn bộ số bò đã cấp. Lý do thu hồi theo ông Tới là do hồ sơ và nguồn gốc con giống không đảm bảo theo quy định.
Trước đó, nhiều người dân huyện Điện Biên phản ánh về việc dự án cấp bò sinh sản lại là bò già, gầy yếu và không đảm bảo chất lượng. Đơn cử, gia đình chị Lường Thị Duyên và anh Hờ Ánh Dương ở bản Pa Sáng (xã Hua Thanh) được UBND xã cấp cho 2 con bò giống sinh sản nhưng quá trình nuôi thì thấy bò vừa già, vừa gầy. Thậm chí, ngày mới nhận bò về có con còn không ăn và uống nước được, gia đình phải chăm sóc, nấu cám, nấu cháo cho ăn.
Gia đình chị Lò Thị Thanh ở bản Tâu cũng chung tình trạng khi được chính quyền hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản. Theo chia sẻ của chị Thanh, khi nhận về chẳng hiểu vì lý do gì mà 1 con thường xuyên bị ngã và rất gầy yếu.
"Lúc đầu tôi nghĩ nó chỉ bị vài hôm sẽ khỏi. Có hôm con bò ngã giơ bốn chân lên trời, gia đình tôi cứ tưởng nó sẽ chết nên đã báo cho cán bộ thú y xã. Khi cán bộ thú y xuống, họ mang đi đổi nhưng đến nay chưa thấy mang bò lại cho gia đình", chị Lò Thị Thanh nói.