Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hoa Sen: Lợi nhuận thế, lý gì không sản xuất thép

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng việc đầu tư sản thép là siêu lợi nhuận, vì thế không có lý do gì để không đầu tư vào ngành này.

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của Tập đoàn Hoa Sen ngày 6/9 tại TP HCM đã thông qua Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận vốn đang gây bão dư luận thời gian qua, với 97% phiếu thuận.

Theo ông Vũ, Cà Ná là một địa điểm có điều kiện lý tưởng có một không hai trên thế giới để đầu tư nhà máy luyện thép. Vị này viện chứng trong hơn 100 năm qua, Cà Ná chưa bao giờ bị bão. Thêm vào đó, Cà Ná có cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, từ 200.000 – 300.000 tấn.

Việc khai thác cảng nước sâu này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển quặng từ 3 – 5USD cho mỗi tấn quặng sắt. Trong khi đó, để luyện 1 tấn thép cần đến 1,6 – 1,7 tấn quặng sắt. Ngoài ra những điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ cũng như vị trí gần với TP HCM đã hỗ trợ tốt cho dự án này gia tăng giá trị.

Du an thep Hoa Sen - Ca Na,  Le Phuoc Vu, anh 1
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận

 

Nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Cà Ná, ông Vũ cho hay: “Tôi đã khảo sát Dung Quất trước khi lập kế hoạch cho dự án này tuy nhiên chúng tôi đã bỏ qua địa điểm này. Tôi tin chắc rằng, trong 5 – 10 năm tới, Dung Quất chẳng là gì so với Cà Ná.”

Đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án, Hoa Sen đưa ra kịch bản khá lạc quan với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 30%/năm cùng với thời gian hoàn vốn vào khoảng 5-6 năm. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2018 và dự tính đến năm 2020 sẽ hoạt động với 100% công suất, mang về doanh thu 14.250 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ tăng dần hàng năm.

Thậm chí lãnh đạo Tập đoàn này còn dùng doanh thu của một doanh nghiệp sản xuất cùng ngành là Hòa Phát để khẳng định việc đầu tư vào sản xuất thép là điều đúng đắn và cần làm ngay. “Lợi nhuận từ sản xuất thép mỗi quý của Hòa Phát là xấp xỉ 2.000 tỷ thì không có lý do gì để không làm thép”, ông Vũ quả quyết.

Nhiều cổ đông quan ngại về bài học của Formosa vừa mới diễn ra, ông Vũ trấn an: “Ai nhìn vào Formosa cũng sợ nhưng Hoa Sen không sợ bởi đơn giản hai công nghệ sản xuất khác nhau. Formosa sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất nên mới tạo ra Xyanua và Phenol. Các chất thải này được tống hết ra biển nên mới gây ra sự cố môi trường. Hoa Sen sẽ không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện”

Ngoài ra lãnh đạo tập đoàn này cũng cho rằng lộ trình sản xuất của doanh nghiệp này sẽ hạn chế tối đa các sự cố về môi trường. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, khi công suất nhà máy chỉ mới đạt mức 1,5 triệu tấn thép, đơn vị này sẽ chỉ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề môi trường. Còn việc luyện thép chỉ khi nào các hạng mục của nhà máy vận hành ổn định trơn tru mới tiến hành.

Đến nay việc lựa chọn công nghệ sản xuất của châu Âu hay của Trung Quốc vẫn chưa được tập đoàn này thông qua. Tuy nhiên theo diễn giải của lãnh đạo doanh nghiệp thì hầu hết các tổ hợp nhà máy thép trên thế giới đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc thì việc lựa chọn công nghệ ở đâu không còn quá nghiêm trọng.

Trong khi đó nguồn vốn để thực hiện dự án được lãnh đạo Tập đoàn trấn an cổ đông là không sử dụng vốn vay. Vị này nói thêm với vốn điều lệ chắc chắn tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm nữa, doanh nghiệp vẫn không phải lo về hạn mức vay. Ông Vũ tiết lộ không ít ngân hàng cam kết hỗ trợ vốn cho dự án này.

Trước đó nhiều tranh cãi quanh dự án này đã được đề cập. Phần lớn các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo được vấn đề môi trường lẫn hiệu quả kinh tế là bài toán cực kỳ khó với các dự án thép ven biển hiện tại.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cam kết của Tập đoàn Hoa Sen là không ổn. Nếu doanh nghiệp này cam kết dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường thì phải có cơ sở chắc chắn về thông số kỹ thuật, việc đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải cũng phải công khai để cho nhà nước cũng như xã hội kiểm soát chứ không phải chỉ là cam kết “đền bù tài sản” là xong.

“Thực tế, như Formosa đã xảy ra rồi, bây giờ có đền bù bao nhiêu cho Việt Nam cũng không đủ để có thể phục hồi lại vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bây giờ, Hoa Sen dự định đầu tư ở vùng biển Ninh Thuận thì thực sự tôi rất ngại cho tương lai của vùng biển này”, bà Lan nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong ngành cũng cho rằng có quá nhiều băn khoăn và câu hỏi đặt ra cho nhà đầu tư về tính hiệu quả kinh tế và nguồn vốn đầu tư cho dự án này. Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư sẽ lấy nước biển để sản xuất. Về khoa học, việc lọc nước biển để lấy nước ngọt hiện không khó nhưng xét về bài toán kinh tế liệu có hiệu quả hay không?

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, một số chuyên gia nhận định dù là doanh nghiệp tôn thép lớn của Việt Nam nhưng để có số tiền lên đến 10 tỷ USD thì chắc chắn tập đoàn này phải dựa vào nguồn vốn vay là chính. Là người đến sau, lãi suất vay trong nước cao hơn các nước thì liệu sản phẩm làm ra của Hoa Sen có thể cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đang dư thừa thép?

Do đó, theo các chuyên gia trước khi có quyết định cần phải thẩm định, xem xét kỹ lưỡng về năng lực thật sự của nhà đầu tư. Cần có Hội đồng Quốc gia, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để làm rõ vấn đề về môi trường và các thiết bị công nghệ. Nếu không thì dễ dẫn đến khả năng ở Ninh Thuận sẽ có "Formosa" thứ hai vì sản xuất thép không chỉ ô nhiễm nước mà còn ô nhiễm chất thải rắn và khí...

 

Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen dự kiến đầu tư với số vốn 10,6 tỷ USD và công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy vậy, đây chỉ là “tầm nhìn quy hoạch cho giai đoạn từ 2017-2031”.

Trước mắt, Hoa Sen mới chỉ có kế hoạch triển khai dự án quy mô 6 triệu tấn/năm. Theo lộ trình Hoa Sen đưa ra, dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn với 4 phân kỳ, đầu tư trong vòng 6 năm từ 2017 đến 2022. Mỗi phân kỳ có công suất 1,5 triệu tấn/năm và triển khai trong khoảng 18 tháng.

 

 

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm