Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch HĐQT Vietjet đề nghị tập đoàn tư nhân đầu tư hạ tầng sân bay

Điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, có cơ chế cho tư nhân tham gia đầu tư và được ứng xử bình đẳng là những kiến nghị của Vietjet tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN 2019.

Ngày 2/5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 5.000 khách mời, hơn 2.000 chuyên gia kinh tế, diễn giả và lãnh đạo các doanh nghiệp.

Tại phiên toàn thể - đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo nghị quyết 10-NQ/TW của hội nghị TW 5 khóa XII và nghị quyết 98-NQ/CP của chính phủ”, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà đã có những chia sẻ tâm huyết, hy vọng vào tương lai tươi sáng trong khu vực kinh tế tư nhân và người dân tại Việt Nam.

Bà Thanh Hà chia sẻ Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép số 01, mở đầu cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Vietjet Air anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Vietjet cất cánh mang đến những thay đổi với ngành hàng không Việt Nam, hàng triệu người dân lần đầu được di chuyển bằng máy bay hiện đại. Trên thế giới, ngành hàng không Việt Nam được biết đến là môi trường mở cửa và sẵn sàng hội nhập với hình ảnh hãng hàng không tư nhân Vietjet hiện đại, chuyên nghiệp.

“Các giao dịch mua máy bay lớn góp phần cân đối cán cân thương mại với các nước, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều sở hữu đội máy bay hùng mạnh, chúng tôi muốn Việt Nam cũng có đội bay lớn và hiện đại. Chúng tôi phát triển liên doanh ở nước ngoài với màu cờ sắc áo Việt Nam. Chúng tôi đã có Thai Vietjet và đang hình thành liên doanh ở các nước khác”, bà Hà cho biết.

Qua diễn đàn, Chủ tịch Vietjet cũng gửi tới Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương 3 kiến nghị nổi bật để Việt Nam trở thành một quốc gia kiến tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Lãnh đạo Vietjet đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay đang quá tải làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

“Thủ tướng đã khẳng định ‘Những gì tư nhân có thể làm tốt thì nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm’. Để đẩy nhanh tiến độ, đề nghị cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi đầu tư, có những dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như Vietjet cùng UBND tỉnh Điện Biên đề xuất dự án sân bay Điện Biên, chúng tôi tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng ‘lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu’, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Điện Biên cần phải thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, thuận tiện về đường bay, xây dưng một vùng kinh tế phát triển văn minh”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà nêu kiến nghị.

Vietjet Air anh 2
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra 3 kiến nghị trong buổi đổi thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam diễn ra trong hai ngày 2-3/5 tại Hà Nội.

Cuối cùng, bà Hà cũng nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng từ cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, tích cực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong. “Chúng tôi tin tưởng rằng có một tương lai phát triển kinh tế tốt đẹp ở trên không trung, trên những cánh bay và luôn nỗ lực để tương lai ấy đến gần hơn”, Chủ tịch Vietjet nói.

Ở Việt Nam, ngành hàng không hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định. Năm 2018, Vietjet đóng góp vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu khách của toàn ngành hàng không; thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới các nước Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Tổng doanh thu 2018 đạt 52.135 tỷ đồng, công ty tiếp tục thuộc nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên đến 6.193 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty đã nhận được gần 60 máy bay trong đặt hàng nhưng vay nợ ít, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 0,39 lần. Vietjet tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trình độ cao đến từ hơn 30 nước và hàng chục nghìn việc làm gián tiếp.

Kể từ chuyến bay đầu tiên tháng 12/2011, Vietjet đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những hãng hàng không uy tín tại thị trường Việt Nam. Đến hết năm 2018, Vietjet sở hữu đội tàu có tuổi đời bình quân trẻ hàng đầu thế giới - chỉ 2,82 năm, khai thác 105 đường bay với 66 đường bay quốc tế, đạt hệ số sử dụng ghế 88,06%. Thực hiện 118.923 chuyến bay trong năm 2018, Vietjet đã phục vụ chuyên chở hơn 23 triệu lượt khách, biến giấc mơ bay thành hiện thực cho hàng triệu khách hàng.

Giang Tiểu San

Bạn có thể quan tâm