Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch HĐND TP.HCM: 'Người nghèo ở đô thị khó khăn hơn nông thôn'

"Phải có giải pháp phù hợp với người nghèo đô thị và nông thôn. Người thành thị đã nghèo là rất khó khăn so với người nghèo ở nông thôn", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: 7 chương trình đột phá thực hiện còn chậm Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng việc giải quyết vấn đề ngập nước trong 7 chương trình đột phá còn chậm, những tác động đột phá cho sự phát triển của thành phố chưa rõ.

Chiều 12/7, kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu với Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, đặt nhiều câu hỏi đối với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM.

Ông Tấn thông tin TP thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo gần 26 năm qua, giờ thành chương trình giảm nghèo bền vững. Trong 26 năm qua, TP có 8 lần điều chỉnh mức nghèo.

Hiện chuẩn hộ nghèo của TP cao gấp đôi chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo ở TP có thu nhập dưới 21 triệu đồng, trong khi chuẩn quốc gia dưới 10,8 triệu đồng; hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 28 triệu đồng, còn chuẩn quốc gia là 12 triệu. Đầu năm 2018, TP còn 58.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 21.800 hộ nghèo, chiếm 1%.

ky hop HDND TP.HCM khoa IX anh 1
Ông Lê Minh Tân, Giám đốc Sở Lao động – thương binh & xã hội TP.HCM trả lời chất vấn chiều 12/7. Ảnh: Trương Khởi.

"Vẫn còn một bộ phần hộ nghèo ỷ lại vào chính sách của thành phố, TP có giải pháp gì để cùng với các quận, huyện, tổ dân phố giúp các hộ này vươn lên làm ăn?", đại biểu Tuyết Nhung đặt câu hỏi.

Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng cần phải động viên để bà con tự vươn lên. Họ có hoàn cảnh như vậy thì đừng để họ đổ lỗi cho số phận. Phải xóa đói giảm nghèo ngay chính trong Đảng viên", ông Tấn nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bày tỏ quan ngại trước tình trạng lừa lao động Việt Nam trên địa bàn TP. Bà nói đây là vấn đề đã đặt ra trong các kỳ họp trước, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết, nhiều người lao động gửi đơn cầu cứu đến báo đài.

"Sở LĐTBXH nhận định thế nào về thực trạng này, cần phối hợp đơn vị nào để xử lý triệt để?", đại biểu Trâm hỏi.

Ông Tấn nói hiện có 83 cơ sở dịch vụ giới thiệu việc làm, 33 chi nhánh, 50 cơ sở ở TP.HCM. "Chỉ 50 cơ sở này mới có chức năng giới thiệu việc làm, 33 chi nhánh lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để thu tiền giới thiệu việc làm. Chúng tôi đã phối hợp xử lý, rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở vi phạm này. Ngoài ra, cổng thông tin của Sở có giới thiệu công ty uy tín, chất lượng để người lao động chọn", Giám đốc Sở LĐTBXH thông tin.

ky hop HDND TP.HCM khoa IX anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Trương Khởi.

Sau phần trả lời chất vấn của Sở LĐTBXH TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng vị Giám đốc Sở LĐTBXH có trả lời có một số câu hỏi của đại biểu, nhưng chưa rõ, chưa nêu được những giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu của đại biểu.

"Cần tăng chuẩn thu nhập diện cận nghèo vì dễ tái nghèo. Người thành thị đã nghèo là rất khó khăn so với người nghèo ở nông thôn. Phải có giải pháp phù hợp với người nghèo ở thành thị và nông thôn. Tạo điều kiện cho người nghèo hưởng phúc lợi xã hội", bà Tâm bày tỏ.

Chủ tịch HĐND TP cũng chỉ đạo cần có chính sách, quan tâm đến con em của gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, để đào tạo việc làm, rà soát lại để đảm bảo chất lượng sống của gia đình có công.

Thanh Đa treo hơn 25 năm chua xót không kém Thủ Thiêm

Trong phiên thảo luận về quản lý tài nguyên đất chiều nay, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM cho biết thành phố còn nhiều dự án treo mà dân ở đó cũng điêu đứng không kém Thủ Thiêm.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm