Chiều 24/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo làm việc với các sở ngành tiếp tục tìm giải pháp khắc phục sự cố sập biệt thự Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cùng các cơ sở y tế tạo điều kiện tốt nhất cứu chữa, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân của vụ sập nhà.
Chủ tịch Hà Nội giao quận Hoàn Kiếm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo. Cùng đó, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Xây dựng bố trí tạm cư để các hộ dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.
Công an TP Hà Nội sẽ điều tra nguyên nhân sập biệt thứ số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Các đơn vị trên phải đưa ra giải pháp như chống đỡ, tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình ở khu đất 107 Trần Hưng Đạo có nguy cơ sập đổ để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực.
Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với quận Hoàn Kiếm, đơn vị sử dụng tòa nhà (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẩn trương khảo sát, đánh giá chất lượng các công trình còn lại trong khu đất bị ảnh hưởng do sập khu nhà chính.
Chủ tịch UND TP Hà Nội yêu cầu Công an Thành phố chỉ đạo khẩn trương giám định, xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tai nạn, sự cố và xử lý theo quy định.
Căn biệt thự số 8 Chân Cầm (thuộc nhóm 1) rộng 400 m2 được xây dựng từ năm 1931. Hiện đây là nơi sinh sống của 8 hộ dân. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ông Nguyễn Thế Thảo giao Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp. Sau khi rà soát, các đơn vị này phải đề xuất các giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho người dân.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn hớn 1.500 biệt thự do Pháp để lại. Trong đó được chia làm 4 nhóm khác nhau.
Nhóm một có 225 biệt thự, nhóm hai có 282 biệt thự, nhóm ba có 646 biệt thự.
Nhóm cuối cùng gồm có 312 biệt thự, là những công trình có nguồn gốc biệt thự nhưng đã xây mới hoàn toàn. Do vậy, biệt thự thuộc nhóm bốn được đưa ra ngoài danh mục quản lý và được “ứng xử” như những công trình bình thường.
Dù Hà Nội khoảng 1.500 biệt thự do Pháp để lại nhưng tất cả chỉ được đánh giá chất lượng công trình bằng cảm quan. Còn để biết được mỗi một biệt thự nguy hiểm thế nào thì phải có một cơ quan kiểm định riêng.
Theo Sở Xây dựng kiểm định biệt thự cổ tốn khoản kinh phí lớn nên chưa được thực hiện.