- Nguyên nhân biệt tự 107 Trần Hưng Đạo sập đổ sơ bộ được Công an Hà Nội xác định là công trình lâu năm xuống cấp và mưa liên tục khiến toà nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực. Dưới con mắt kiến trúc sư, giáo sư có thể lý giải cụ thể hơn?
- Trước hết, đây là sự cố hết sức đau lòng. Sự cố này hoàn toàn có thể dự báo trước và thực tế đã có dự báo.
Mặc dù có kết luận sơ bộ là một phần biệt thự tự đổ sập sau mưa lớn, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do con người. Chúng ta không chăm sóc, tu sửa thường xuyên các công trình có tuổi thọ hơn 100 năm thì việc sụp đổ khó tránh khỏi.
Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo cũng như nhiều biệt thự được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều chưa có bêtông cốt thép như hiện nay.
Kết cấu chịu lực gồm có tường gạch, kết hợp với thanh sắt chữ Y làm trụ cài. Đó là kết cấu hợp lý với giá trị sử dụng giai đoạn đó. Tuy nhiên theo thời gian, kết cấu này đã lỗi thời và nhanh xuống cấp nếu không được sửa chữa, bảo dưỡng.
Các mái vòm và trần của các biệt thự đầu thế kỷ XX cũng không có cốt thép mà chỉ sử dụng nối vòm cuốn bằng gạch, gắn kết bằng xi măng. Kỹ thuật làm trần trước kia là dùng tre đan, sau đó dùng vôi trộn cùng rơm băm để trát.
Các biệt thự này đều sử dụng vôi, vữa nên có nhiều rêu phong, cây cối mọc xen. Với nhà văn rêu phong mới đẹp và cổ kính, nhưng với kiến trúc sư rêu phong là giết công trình, là không chăm sóc công trình. Rêu giữ nước, khiến công trình bị ngấm nước, giảm khả năng chịu lực cho công trình.
Biệt thự tại 107 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ năm 1905. Theo quy trình, biệt thự này phải được tu sửa từ 5-7 lần nếu tiếp tục sử dụng. Vì vậy mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày đã làm thấm dột tường gạch, giảm khả năng chịu lực, gây nứt, sập đổ kéo theo mái nhà sập xuống.
- Giáo sư có thể nói rõ hơn về việc cảnh báo từ trước về sự sụp đổ của một số biệt thự tại Hà Nội?
- Vụ sập biệt thự vừa qua có thể bất ngờ đối với mọi người nhưng với những người am kiểu kiến trúc và kỹ thuật thì không. Sự xuống cấp của những kiến trúc Pháp cổ trên dưới trăm năm tuổi đã được nhắc tới từ lâu, thậm chí có hẳn văn bản khuyến cáo từ Pháp gửi sang.
Tại Hà Nội có hơn 1.500 biệt thự xây dựng trước năm 1954. Bên cạnh những biệt thự được sử dụng đúng công năng, được chăm sóc, tu sửa thường xuyên vẫn còn nhiều công trình rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”.
Nhiều căn bị biến thành nhà tập thể. Nơi ở của một gia đình biến thành nơi ở của nhiều hộ dân. Vì nhu cầu, nhiều người cơi nới, đục phá và động tới kết cấu tòa nhà. Những biệt thự đó đã xuống cấp về kỹ thuật, biến dạng kiến trúc, sa sút thẩm mỹ và đã được giới kiến trúc sư cảnh báo về nguy cơ sụp đổ.
Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Ảnh: Công Khanh. |
- Vậy tại sao những công trình được xây cùng thời điểm, nhất là các tòa nhà do các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội sử dụng từ 1954 đến nay vẫn còn chắc chắn?
- Chúng ta nên nhớ rằng ngoài các biệt thự tại Hà Nội còn có nhiều công trình kiến trúc trước 1954 vẫn phát huy giá trị sử dụng, lịch sử kiến trúc, văn hóa như Bảo tàng lịch sử Quốc gia, trụ sở Bộ Ngoại giao, Nhà hát lớn...
Phần lớn biệt thự và công trình xây trước năm 1954 đều có tuổi thọ trên dưới 100 năm, nên việc xuống cấp là đương nhiên. Các cụ nói “của bền tại người”, công trình muốn bền vững phải được sử dụng đúng công năng và được sửa chữa thường xuyên.
Các tòa nhà tại khu Ngoại giao đoàn bền vững vì được tu sửa thường xuyên. Tôi cũng là kiến trúc sư tham gia tu sửa các biệt thự tại khu vực này cũng như một số công trình khác.
Năm 1990 khi tôi tham gia quá trình tu sửa Nhà hát lớn Hà Nội, chúng tôi phát hiện mái vòm đã hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ nên đã phải thay bằng kết cấu bêtông cốt thép. Phía trên nóc Nhà hát Lớn còn có một cây si ăn sâu vào công trình, nên phải chặt bỏ. Chúng tôi đã phải dùng tới 10 xe tải để vận chuyển số gỗ của một cây si mọc trên nóc tòa nhà.
Nói như vậy để thấy, bất kỳ công trình nào cũng cần sự chăm sóc, sửa chữa để đảm bảo công năng hoạt động.
Căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp ở số 8 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có diện tích sàn 150 m2, nhiều năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Có ý kiến cho rằng nên đập bỏ những công trình Pháp cổ đã xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người dân và xây mới, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Không nên nói ngôi nhà quá hạn sử dụng rồi đập bỏ, vì ngôi nhà là công trình kiến trúc cần được tu sửa, bảo quản. Vội vã đập bỏ các công trình kiến trúc giàu tính nghệ thuật và cả giá trị sử dụng là không nên.
Điều quan trọng là chúng ta phải có phương thức vận hành sử dụng hợp lý và an toàn. Biệt thự Hà Nội là di sản quý hiếm cả về giá trị bảo tồn và công năng sử dụng.
- Giáo sư có kiến nghị gì về các giải pháp trước mắt và lâu dài?
- UBND Hà Nội đã phân loại, xếp hạng và lập danh mục danh mục biệt thự xây dựng trước 1954 để đưa vào quản lý theo đề án bảo tồn biệt thự. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ phân loại và xếp hạng theo giá trị bảo tồn mà chưa có sự đánh giá về phương tiện kỹ thuật.
Vì vậy, cần phải có cuộc tổng điều tra đánh giá về phương diện này. Chúng ta phải chỉ ra được những công trình nguy cấp có thể sụp đổ và có phương án di dời dân ngay, tránh tình trạng để xảy ra chuyện đau lòng mới đi tìm nguyên nhân, truy trách nhiệm.
Tôi cho rằng, qua sự việc sụp đổ biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh hơn nữa các việc bảo tồn biệt thự tại Hà Nội. Thủ đô còn 328 căn biệt thự giống như biệt thự 107 Trần Hưng Đạo.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn thấy trước những nguy cơ này, có sự quan tâm đúng mức và kịp thời trước những bức xúc của người dân thì 2 người đã không phải chết oan. Và Hà Nội sẽ không mất đi một biệt thự mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa.
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát biệt thự "hết đát"
Chiều 23/9, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ).
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
“Các tỉnh, thành phố rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ) và có biện pháp xử lý”, Bộ Xây dựng yêu cầu.
Ngoài ra, các chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định; Kiểm tra công tác bảo trì của các tổ chức, cá nhân; phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn cho công trình.