Chiều 28/5, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi đối thoại với nhân dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) về những vấn đề xung quanh việc đảm bảo quyền lợi, cuộc sống người dân tại khu vực ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tại khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn. Hàng trăm người dân đã tập trung tại hội trường UBND xã Nam Sơn để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Chủ tịch Hà Nội.
Sau gần 3 giờ Chủ tịch UBND Hà Nội trực tiếp đối thoại với nhân dân nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm của khu Liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, người dân đã dỡ bỏ lều bạt, rào chắn, cho xe vận chuyển tiếp tục ra vào khu chôn lấp, xử lý rác thải.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Hà Nội đã nghe ý kiến của gần 20 người dân với 37 câu hỏi và giải đáp toàn bộ các nội dung nhân dân quan tâm.
Chủ tịch UBND Hà Nội trả lời những bức xúc của người dân. |
Trong đó, người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã đưa ra hàng loạt kiến nghị và câu hỏi với Chủ tịch Hà Nội như: Đề nghị nâng mức tiền hỗ trợ ảnh hưởng môi trường; xây dựng trạm quan trắc theo dõi ô nhiễm không khí, nguồn nước; yêu cầu cấp nước sạch cho dân... Cụ thể, nhân dân địa phương phản ánh về việc 70% người dân đang sử dụng nước giếng khoan nhưng chất lượng nước không đảm bảo; đề xuất thành phố cung cấp nước sạch miễn phí theo quy định và trong thời gian 24/24h.
Người dân cũng bày tỏ những lo lắng về vấn đề sức khỏe lâu dài và đề nghị TP xem xét để người dân sống trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm được hưởng bảo hiểm y tế cao nhất cũng như được khám bệnh định kỳ và phát thuốc miễn phí.
Bày tỏ những bức xúc, nhân dân địa phương đề nghị TP xây dựng mương thu gom nước thải thải từ quá trình vận chuyển rác cũng như giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc vận chuyển rác thải vào khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn phải sử dụng xe chở rác chuyên dụng, tránh rơi vãi cũng như lập đường dây nóng để người dân trực tiếp phản ánh tình trạng ô nhiễm để có thể xử lý kịp thời, đảm bảo đời sống người dân...
Trước khi trực tiếp trả lời những kiến nghị, câu hỏi của nhân dân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thay mặt cá nhân, lãnh đạo thành phố cũng như người dân Hà Nội cám ơn và chia sẻ với sự hi sinh của người dân xã Nam Sơn vì lợi ích chung, vì TP xanh – sạch – đẹp khi phải sống chung với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành phố luôn coi việc đảm bảo, chăm lo đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu để TP phát triển bền vững và sẽ giải quyết ngay những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân trong khu vực trong thẩm quyền của mình. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND, Thường trực Thành ủy, và các bộ ngành liên quan, Chủ tịch TP hứa sẽ báo cáo, xin ý kiến để giải quyết với tinh thần đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm gần khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn.
Đối với kiến nghị nâng mức tiền hỗ trợ người dân tại khu vực này, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, TP sẽ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho người dân để trình HĐND TP quyết định và trả lời người dân trong thời gian sớm nhất. Với đề nghị được hưởng hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi 500-1.000 m với thời gian từ năm 1999 đến nay, Chủ tịch UBND TP ghi nhận và giao các sở, ngành nghiên cứu đề xuất các phương án để trình lãnh đạo TP, HĐND TP xem xét.
Đối với công tác cấp nước sạch, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết đã có những quy định cụ thể của Nhà nước và sẽ giao các đơn vị chức năng thực hiện ngay nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tại buổi đối thoại, Chủ tịch đã giao các đơn vị đảm nhiệm công tác cấp nước xem xét, rà soát tiến hành lắp đặt đường ống đến những hộ dân chưa được cung cấp nước sạch.
Về kiến nghị được hưởng bảo hiểm y tế ở mức cao nhất và phải có thẻ sớm, Chủ tịch TP giao huyện Sóc Sơn, xã Nam Sơn triển khai cấp thẻ BHYT cho tất cả người dân trong vùng ảnh hưởng ngay sáng thứ 2 (30/5) tới.
Đồng thời sẽ có 9 tổ công tác thực hiện việc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân tại địa phương, do Bộ Tư lệnh Thủ đô đảm nhiệm cũng vào sáng ngày 30/5. Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ làm việc với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam họp bàn để nghiên cứu về mức chi trả cho người dân trên tinh thần vận dụng mức cao nhất.
Người dân đặt câu hỏi cho người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng được giao giải quyết kiến nghị của người dân, hạn chế 50% ánh sáng của tuyến đường chở rác vào ban đêm để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đồng thời phải tiến hành ngay việc xây dựng rãnh thoát nước, thu gom nước, rác thải do xe chuyên chở làm rớt xuống đường vận chuyển để đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường đến người dân; tổ chức bơm nước rửa đường hạn chế ô nhiễm.
Chủ tịch TP cũng thừa nhận có tình trạng xe vận chuyển rác thải không phải xe chuyên dụng, dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong quá trình vận chuyển nên sẽ tiến hành thay đổi nhanh toàn bộ xe chuyên chở, dự kiến đến đầu năm 2017, để đảm bảo môi trường sạch sẽ.
Chủ tịch UBND TP cam kết, TP đang nỗ lực hết mình để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở xã Nam Sơn trong đó có việc chuyển công nghệ từ chôn rác cũ hiện nay sang đốt rác hiện đại hơn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. TP cũng đang quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác ở nhiều điểm ở TP để giảm tải cho bãi rác Nam Sơn.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: "Ngay ở khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tôi đảm bảo thời gian tới sẽ có nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt hiện đại ở Nam Sơn".
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Thành phố sẽ phân bổ ngay nguồn vốn để triển khai các dự án hỗ trợ người dân như làm đường, xây dựng trường học, trạm bơm... Với việc di dời dân ở khu vực ô nhiễm phạm vi từ 0 đến 500 m, Chủ tịch UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn triển khai ngay dự án, chuẩn bị mặt bằng. TP sẽ bố trí đủ ngân sách, huyện Sóc Sơn sẽ triển khai ngay dự án, làm hạ tầng đến đâu, di dời người dân tới đó.
Với những nội dung thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND TP, Chủ tịch UBND cam kết sẽ trả lời nhân dân chậm nhất trong thời gian 1 tuần. Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm và chân thành chia sẻ với sự hi sinh của người dân địa phương trong công cuộc bảo đảm môi trường xanh – sạch – đẹp của thành phố.