Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hà Nội đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân

Trước toàn bộ thành viên Chính phủ và các địa phương, ông Nguyễn Đức Chung đề xuất cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Hội nghị có sự tham gia của toàn bộ thành viên Chính phủ và 63 đầu cầu với các địa phương.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề: "Thực tế năm nay bằng nỗ lực chung, GDP tăng 6,68%, cao hơn mức dự kiến 6,5%. Vậy năm 2016 chúng ta có phấn đấu cao hơn không?"

Lần đầu xuất hiện ở một phiên họp Chính phủ, tân Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của thủ đô năm 2015 đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là GRDP trên 9%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc, 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn tăng 31%...

Trên cơ sở đó, ông Chung đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả nước ở mức 7%, cao hơn mức nghị quyết Quốc hội đề ra.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Công Khanh.

Cũng trong phần phát biểu ngắn tại hội nghị, ông Chung nêu thực trạng giao thông thủ đô đang có nhiều diễn biến bất lợi.

Bình quân hàng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào thủ đô và 7 triệu xe máy (chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm, người mua sẽ tăng lên).

"Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nếu không có giải pháp thì Hà Nội tin rằng 4-5 năm nữa tình hình sẽ phức tạp", ông Chung nói.

Trước đó, tại kỳ họp đầu tháng 12 vừa qua, HĐND Hà Nội đã thông qua đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ. Trong đề án này, ngoài việc xây dựng mới các công trình, cải thiện năng lực giao thông... UBND thành phố dành 700 triệu đồng lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP vào năm 2016.

HĐND Hà Nội phản biện đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ

UBND Hà Nội vừa có tờ trình nêu dự kiến tổng vốn gần 2.200 tỷ thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh quản lý quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập.

Kiến nghị ưu tiên ODA cho giao thông TP HCM

Góp ý cho việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2016, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ tuyên truyền FTA, TPP đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp...

"Cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập", ông Phong nói.

Đối với các vấn đề liên quan tới địa phương ông Phong nêu hàng loạt kiến nghị, trong đó có việc ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP như tuyến xe bus nhanh, nạo vẹt luồng Xoài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng… Lãnh đạo TP HCM cũng kiến nghị được xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn, bảo lãnh, tạo điều kiện phát hành trái phiếu đô thị.

Để tạo động lực phát triển, ông Phong kiến nghị quy định mức dư nợ vay của ngân sách đia phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP HCM cho phù hợp. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, bao gồm thêm các khoản nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.

"Dự kiến dư nợ vay nước ngoài của TP càng tăng cho hạ tầng càng tạo động lực thành phố phát triển. Nếu tính thâm dư nợ vay nước ngoài vào sẽ không có khả năng tiếp tục vay mới", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP HCM đề nghị xem xét điều chỉnh Nghị định 93 năm 2011 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP. Trong đó, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như phí, lệ phí, thẩm quyền xử phạt hành chính; quy định chặt chẽ trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương để phân cấp thực sự có hiệu quả.

Đặt mục tiêu GDP 6,7%

Trình bày tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu dự thảo nghị quyết kinh tế - xã hội 2016 tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Phó thủ tướng, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành... nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua gồm các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, giải pháp, nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số nhiệm vụ được Chính phủ nhấn mạnh như: điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả; Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31/1/2016 ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì, đưa vào chương trình công tác; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016.



Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm