Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hà Nội đề nghị bỏ loa phường: Giận mà thương

Hôm qua, 12/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị xem xét bỏ loa phường ở một số nơi không còn hiệu quả.

Ông Phạm Trung Tuyến - Phó giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia chia sẻ với Zing.vn về việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh

Có lẽ, chưa bao giờ mà một đề xuất của người đại diện chính quyền lại nhận được sự ủng hộ, hoan hỉ của người dân đến thế! Loa phường, qua hơn nửa thế kỷ tồn tại. Nhưng, những phiền toái mà nó mang lại, liệu có đến mức phải tử hình, liệu có phải vô phương cải tạo?

Đêm qua, tôi viết một status tiếc thương loa phường, rất nhiều bạn bè tôi đã phải cố gắng ôn tồn để nói cho tôi biết những lý do để loa phường phải chết. Thực ra không nhiều lý do lắm!

Thứ nhất, người ta cho rằng loa phường gây ô nhiễm tiếng ồn, phá hoại sự tĩnh lặng riêng tư, gây phiền toái cho nhân dân.

Thứ hai, người ta cho rằng nội dung nhàm chán, vô bổ.

Tôi đồng ý những vấn đề nêu trên đúng là phiền toái. Song, đó là những vấn đề không khó để giải quyết.

Loa phường hiện nay gây ô nhiễm tiếng ồn, phá hoại sự tĩnh lặng, riêng tư,

de xuat xoa bo loa phuong anh 1
Ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia. 

gây phiền toái cho nhân dân là do giờ phát sóng không phù hợp, buổi sáng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của những người có thói quen dậy muộn, và nhiều cụm loa đặt ở vị trí không thích hợp, tác động trực tiếp tới không gian riêng tư của người dân.

Về việc này, chỉ cần quy hoạch lại vị trí đặt loa, chỉ đặt ở khu vực công cộng, như nhà văn hóa, vườn hoa công cộng, chợ, sân chơi. Đó là những nơi không xâm phạm đến không gian riêng tư của người dân.

Giờ phát sóng có thể thay đổi. Hàng ngày chỉ phát thanh cuối buổi chiều, cuối tuần có thể phát sau 9h sáng. Thời lượng mỗi buổi phát sóng hàng ngày không quá 15 phút. Cuối tuần không quá 30 phút.

Về mặt nội dung, các chương trình phát thanh mà đối tượng càng cụ thể càng dễ làm hấp dẫn! Đối tượng thụ hưởng thông tin trong cùng một phường, có nhiều đặc điểm chung về điều kiện sống, về những vấn đề chung phải đối mặt. Điều quan trọng là những người phụ trách truyền thanh phường phải là những người tâm huyết với công việc, có thể là những tình nguyện viên, những người hưu trí… thực hiện sản xuất chương trình được xây dựng với những tiêu chí chuẩn mực phát thanh.

Thông tin công cộng vẫn cần thiết

Có người cho rằng giờ đây người dân có nhiều cách thức để tiếp nhận thông tin một cách hiện đại và văn minh. Điều đó đúng! Song, cho dù như vậy thì thông tin công cộng vẫn là điều cần thiết. Hệ thống truyền thanh công cộng là một cách thức truyền thông cưỡng bức. Hai chữ cưỡng bức có thể khiến nhiều người dị ứng. Song, truyền thông cưỡng bức là điều cần thiết để duy trì sự gắn kết, tương tác cộng đồng.

Nếu trên địa bàn phường có một vị trí hố ga mất nắp, một cây cổ thụ có nguy cơ gẫy đổ, một đoạn đường nội bộ hư hỏng đèn chiếu sáng... có nguy cơ gây rủi ro được cảnh báo kịp thời trên hệ thống loa phường, rất nhiều trẻ em có cơ may thoát chết.

Những thông tin phân làn, tổ chức lại giao thông trên địa bàn cũng sẽ giúp người dân chủ động lựa chọn lộ trình hợp lý cho hành trình hàng ngày.

Nếu một người để quên đồ đạc, giấy tờ khi đi tập thể dục, nếu một đứa trẻ đi lạc được thông báo trên hệ thống loa phường với vị trí, địa điểm thất lạc cụ thể, khả năng trở về sẽ cao hơn rất nhiều so với phát trên hệ thống phát thanh truyền hình quốc gia.

Thông tin về các dịch vụ công ích sẽ đến được với đối tượng ích tốt hơn rất nhiều bởi loa phường chứ không phải những phương tiện truyền thông đại chúng quy mô lớn.

Để duy trì sự hoạt động của hệ thống loa phường không quá khó khăn. Về mặt nhân sự, việc huy động tình nguyện viên là những người hưu trí trên địa bàn với mức thù lao không quá cao, lại tạo điều kiện cho nhiều người hưu trí sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Kinh phí để nuôi truyền thanh công cộng ở các phường hoàn toàn có thể đến từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp công ích trên địa bàn, nhằm mục đích phổ biến thông tin.

Chi phí tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của địa phương cũng là một nguồn thu.

Tóm lại, duy trì một hệ thống truyền thanh công cộng là điều cần thiết, và không khó để hệ thống này hoạt động một cách hữu ích, mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. Điều quan trọng là chính quyền thành phố cần xây dựng những quy định hợp lý cho hoạt động này. Thậm chí, cần luật hóa những quy định về mức độ âm thanh, vị trí lắp đặt, thời lượng phát sóng, và quy chế cung cấp, chia sẻ, phổ biến thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn với ban biên tập đài truyền thanh phường.

Dừng hay không dừng loa phường? Trước khi cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng, chính quyền thành phố cần cân nhắc, hoặc có thể thí điểm tổ chức lại hệ thống truyền thanh công cộng tại một số phường trọng điểm để có cơ sở đánh giá tác động trước khi ban hành.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở TT&TT Hà Nội ngày 9/1, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ như hiện nay, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân. Loa phường hiện nay chỉ dành cho người già và trẻ em.

“Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Phạm Trung Tuyến

Bạn có thể quan tâm