Chiều 18/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn đại biểu HĐND TP tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND TP.
Phản ánh tới Chủ tịch Hà Nội, nhiều cử tri đề cập đến những vấn đề bức xúc của thành phố như an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự xây dựng và quy hoạch đô thị…
Không điều chỉnh quy hoạch nào theo lợi ích nhóm
Ông Nguyễn Văn Cảo (phường Hàng Bồ) cho biết cử tri lo lắng về các tình trạng nêu trên. Đặc biệt, việc quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, thường xuyên thay đổi quy hoạch, cho xây dựng nhiều nhà cao tầng nhưng không mở thêm đường mới đáp ứng hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Sơn Hà. |
“Cử tri mong thành phố sẽ làm tốt hơn công tác quy hoạch thủ đô, giữ vững quy hoạch, không để các nhà đầu tư vì lợi ích phá vỡ quy hoạch”, ông Cảo kiến nghị.
Cử tri Nguyễn Tiến Trụ (phường Hàng Buồm) nhắc đến việc vi phạm xây nhà trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, hay tòa nhà 8B Lê Trực không xử lý nghiêm túc ngay từ đầu. Đến nay vi phạm rất phức tạp, khó giải quyết, lại gây tốn kém và mất an toàn, an ninh.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ và giải đáp nhiều băn khoăn của cử tri.
Theo lãnh đạo Hà Nội, việc xây dựng nhà cao tầng bố trí chỗ ở cho dân cư là một xu hướng tất yếu. Điều này cũng hoàn toàn đúng với kế hoạch phát triển đô thị mà Chính phủ phê duyệt.
Trước ý kiến cử tri cho rằng có việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo yêu cầu, lợi ích của nhà đầu tư, Chủ tịch Hà Nội khẳng định “không điều chỉnh quy hoạch nào theo lợi ích nhóm hay yêu cầu nhà đầu tư”.
Ông giải thích, thời gian qua thành phố bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch rất nhiều, bởi từ năm 2009 khi có Luật Quy hoạch, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng và các viện nghiên cứu tiến hành xây dựng quy hoạch chung thủ đô. Trên cơ sở này, Hà Nội đầu tư tiền làm các quy hoạch phân khu. Đến 2015 đã làm được 32/35 quy hoạch phân khu. Từ đây, tiếp tục xây dựng các quy hoạch chi tiết.
Theo đó, tất cả các dự án trước năm 2009 sau này có quy hoạch phân khu đều phải điều chỉnh lại cho đúng quy hoạch phân khu. “Vì trong thực tiễn có bất cập nên việc điều chỉnh là nhằm phục vụ cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý”, ông Chung nói.
Chuyển hồ sơ 3 dự án của chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực sang công an
Khi cử tri dẫn chứng sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh thành phố đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, thành phố đã giao cho thanh tra tiến hành thanh tra và đã xử lý cán bộ các cấp có liên quan đến sai phạm.
Dự án tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Về xử lý sai phạm của tòa nhà, ông Chung cho biết đã giao quận Ba Đình tiến hành cưỡng chế và đã cưỡng chế xong tầng 19.
Song, cũng theo người đứng đầu chính quyền Thủ đô, tòa nhà 8B Lê Trực không chỉ vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè.
Nhưng sau khi cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định và cho rằng nếu cắt tầng 17, 18 sẽ không an toàn, thành phố tiếp tục chỉ đạo quận Ba Đình tiến hành trưng cầu giám định với một số biện pháp.
“Thời gian tới, chúng tôi cương quyết sẽ phải cưỡng chế thực hiện nghiêm theo kỷ cương. Có những cuộc họp trên UBND thành phố, tôi có nói thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước thì đập cả tòa nhà này cũng phải đập, vì sai từ móng”, ông Chung cương quyết.
Về phía chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực, theo Chủ tịch Hà Nội, đơn vị này “rất cùn”.
Ông cho biết chủ đầu tư này xây dựng 4 công trình trên địa bàn thành phố là 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và số 8B Lê Trực thì công trình nào cũng sai phạm.
Đến nay, thành phố đã quyết định chuyển hồ sơ của 3 dự án gồm 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và 8B Lê Trực sang Công an Hà Nội để điều tra xử lý theo pháp luật hình sự.