Thông tin này được ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN đưa ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra sáng 13/1.
Nói về kết quả sản xuất kinh doanh của ngành điện trong năm 2014, ông Thanh cho hay, một trong những “thành quả” của EVN là đã cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy vậy, vị Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh nhấn mạnh, đạt được kết quả này là cả một quá trình “vượt khó” của ngành điện trong năm qua. Trong khi dự kiến sản lượng điện năm 2014 chỉ tăng trên 10%, thì thực tế tới hết năm riêng sản lượng điện thương phẩm đã tăng 11,45%. Tuy vậy, thách thức lớn nhất mà vị Tổng giám đốc EVN trăn trở đó là khoản lỗ “khủng” mà tập đoàn này đang phải “gánh” lên tới 16.800 tỷ đồng.
Bóc tách số liệu cụ thể ông Thanh cho hay, với khoản lỗ sản xuất kinh doanh do hạn hán giai đoạn 2009 -2010 khoảng 12.000 tỷ đồng đã được EVN xử lý xong thì đến nay vẫn còn khoảng 8.800 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối.
Cộng với khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn…. nên tổng cộng khoản lỗ tính tới hiện tại của “ông lớn” ngành điện là 16.800 tỷ đồng.
16.800 tỷ đồng." src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/pgi_xvauqbnau/2015_01_13/Infonet_Pham_Le_Thanh_EVN1_1.jpg" /> |
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, tới thời điểm hiện tại EVN đang lỗ 16.800 tỷ đồng. |
“Khoản lỗ này hiện EVN chưa thể cân đối được, là thách thức rất lớn của tập đoàn trong năm 2015” – ông Thanh nói và cho hay, trong lúc chờ Chính phủ, Bộ Công thương còn đang cân nhắc phương án điều chỉnh giá điện mà EVN đã trình lên cho phù hợp, thì EVN buộc phải tiếp tục tối ưu hóa chi phí để nâng cao năng suất.
Ngoài ra, cơ cấu sử dụng điện ở Việt Nam còn rất lãng phí. Trong cơ cấu điện cung cấp cho nền kinh tế thì 53,9% (năm 2013 là 52%) sản lượng điện là phục cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, nhưng lại chỉ làm ra 38% GDP.
Trong khi với các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ chỉ cần 4,9% sản lượng điện đã làm ra 49,5% GDP và 1,5% sản lượng điện làm ra 18% GDP cho nông lâm thủy sản… “Các ngành công nghiệp còn sử dụng công nghệ cũ, như xi măng vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, “ăn” rất nhiều điện”, ông cho biết.
Ngoài ra, một trong 3 thách thức lớn được lãnh đạo EVN đề cập là, theo Quyết định 854 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2015 EVN phải giảm tổn thất điện năng về 8% nhưng tới nay vẫn còn 8,6%.
“Giải bài toán giảm tổn thất điện năng đối với EVN không hề dễ khi nguồn điện chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, trong khi nguồn tải lại ở miền Nam, truyền tải luôn quá tải trên hệ thống điện”, Tổng giám đốc EVN lý giải.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh EVN năm 2014, điện sản xuất và mua đạt hơn 142 tỷ kWh tăng hơn 10% so với năm 2013. Các nhà máy điện nâng cao được chất lượng thiết bị nên EVN đã khai thác hiệu quả nguồn điện với trên 60 tỷ kWh thủy điện, góp phần giảm sản lượng huy động từ nguồn điện giá cao. Năm 2014, miền Nam được đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện, trong đó có trên 20% sản lượng điện tiêu thụ ở miền Nam được truyền tải từ miền Bắc và miền Trung, không để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ. EVN cũng đã thoái toàn bộ vốn tại 3 công ty cổ phần bất động sản và một phần vốn tại công ty tài chính điện lực với tổng số tiền hơn 690 tỷ đồng.