Kết thúc lượt đi mùa giải 2009, Hà Nội T&T đứng ở vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng. Để cứu vãn tình thế, bầu Hiển thực hiện hàng loạt biện pháp như đưa huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Thắng về thế chỗ HLV Triệu Quang Hà, tuyển mộ thêm các cầu thủ có chất lượng tốt…
Nhưng nước cờ cao nhất của bầu Hiển là bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hội làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của đội bóng thủ đô. Bắt đầu từ cú nước rút ngoạn mục ở lượt về mùa giải nêu trên để cán đích bằng vị trí thứ 4, sau đó là 2 chức vô địch V.League cùng nhiều danh hiệu khác, người cộng sự trong lĩnh vực bóng đá là "món hời" lớn của bầu Hiển.
Ông Nguyễn Quốc Hội (trái) và bầu Hiển chia vui sau khi Hà Nội T&T giành chức vô địch V.League 2013. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Ông Nguyễn Quốc Hội không xuất thân từ giới bóng đá. Và cũng không phải như nhiều người nghĩ, ông không làm công ăn lương trong các doanh nghiệp của bầu Hiển. Ông Hội nhận lời về làm bóng đá bởi ông là bạn thân của ông Hiển, mà bạn bè thì không thể quay lưng với nhau lúc khó khăn.
Lưng vốn của ông Hội khi bắt tay vào làm bóng đá không nhiều, chỉ có một chút kiến thức từ việc theo dõi bóng đá quốc tế và sự yêu thích M.U. Chủ tịch CLB Hà Nội T&T tâm sự: “Nhiều người yêu thích M.U vì lối chơi của họ, nhưng ở cương vị người quản lý, tôi còn tâm đắc với cách làm bóng đá bền vững, không chạy đua trên thị trường chuyển nhượng để đổi lấy thành công”.
Cũng vì lý do này, ông Hội cho biết ông chọn HLV Alex Ferguson làm thần tượng của mình, trong sự so sánh với các HLV tài năng khác như Jose Mourinho hay Arsene Wenger…
Trong cách xây dựng đội bóng của Sir Alex, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T đặc biệt tâm đắc với triết lý “thà thiếu một chút còn hơn thừa”. Không phải M.U không chiêu mộ ngôi sao, nhưng đó hầu hết là những cầu thủ có chất lượng thực sự và bổ sung cho khiếm khuyết của đội bóng.
Còn lại “Quỷ đỏ” dành đất diễn cho những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, chuyên môn có thể chỉ ở mức khá song luôn thừa nhiệt huyết và lấy tinh thần để bù đắp cho hạn chế của họ.
Ông Nguyễn Quốc Hội thường nhắc đến việc HLV Alex Ferguson sử dụng lại tiền vệ Paul Scholes là ví dụ tiêu biểu cho triết lý này.
Kết thúc mùa giải 2010-2011, lão tướng người Anh chia tay sân cỏ ở tuổi 37. Nhưng sau 7 tháng, Scholes quyết định xỏ giày trở lại thi đấu khi nhận được lời đề nghị của HLV Alex Ferguson. Sau đó, ở độ tuổi 38-39, anh vẫn đóng vai trò của quan trọng của “Quỷ đỏ” và giành thêm chức vô địch mùa giải 2012-2013.
HLV Alex Ferguson và tiền vệ Paul Scholes. |
“Một đội bóng lớn như M.U thừa sức mua về những tiền vệ đẳng cấp. Nhưng tại sao họ không làm như thế? Sự hiệu quả, căn cơ là điều tôi học được từ Alex Ferguson”, ông Nguyễn Quốc Hội chia sẻ.
Đó là lý do trong quãng thời gian khá dài trước đây, ở Hà Nội T&T luôn có chỗ đứng cho những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao như Bảo Khanh, Hồng Minh hay Tiến Dũng…
“Họ có thể không đủ thể lực để đá trọn 90 phút nhưng luôn hữu dụng khi đội bóng cần tùy theo thời điểm. Với kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu, họ còn đóng vai trò dìu dắt các cầu thủ trẻ”, ông Hội cho biết.
Dưới thời ông Nguyễn Quốc Hội, Hà Nội T&T có tiếng là mua sắm khôn ngoan. Sau thời kỳ tăng cường lực lượng ồ ạt để thực hiện cú tăng tốc 3 năm thăng 3 hạng, đội bóng thủ đô gần như đứng ngoài cuộc trong các cuộc chiêu binh mãi mã rầm rộ ở V.League.
Tính trung bình mỗi mùa giải, họ chỉ đưa về một, hai cầu thủ có chất lượng, còn lại trông chờ vào sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ. Những Duy Mạnh, Duy Khánh hay Ngọc Đức… lần lượt sắm vai đá chính rồi được triệu tập lên các đội tuyển quốc gia là thành quả của chính sách này.
“Thà thiếu một chút còn hơn thừa” nên khi Công Vinh hết hạn hợp đồng cuối mùa giải 2011, ông Hội kiên quyết không đồng ý “phá két” để gia hạn với tiền đạo xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Bởi khi đó, ông nhìn thấy tiềm năng phát triển của Văn Quyết sau một mùa xuất hiện tại V.League.
Nếu ở một CLB khác, Văn Quyết khó tiến bộ nhanh như tại Hà Nội T&T. Ảnh: Tống Đức Thuận |
Chủ tịch CLB Hà Nội T&T từng cười xòa trước thông tin đội bóng của ông sẽ chiêu mộ những ngôi sao như Lee Nguyễn hay Leandro trong quá khứ: “Chúng tôi làm gì đủ tiền để trả cho họ”.
Nhưng thực ra nếu muốn, đội bóng thủ đô vẫn có thể xác lập kỷ lục chuyển nhượng như bản hợp đồng triệu USD dành cho Samson. Điều quan trọng nhất là nếu chiêu mộ cầu thủ nào, người đó phải thực sự cần thiết với CLB.
Từng bị gán danh là “gã nhà giàu ăn xổi” giống người hàng xóm Man City của M.U, nhưng lúc này, Hà Nội T&T lại là đội phát triển khá bền vững và thể hiện rõ triết lý bóng đá của Sir Alex Ferguson từ những bài học rút ra của vị chủ tịch CLB.