Sau một năm vận hành với lãnh đạo mới và đạt thành tích bất ngờ ở vị trí thứ 3, CLB Sài Gòn có cuộc cải tổ mạnh mẽ. Ông Vũ Tiến Thành tập trung với công tác huấn luyện, để lại ghế chủ tịch cho Giám đốc Điều hành Trần Hòa Bình kiêm nhiệm. Ông Bình bắt đầu chiến lược "J.League hóa" đội bóng theo cách làm của người Nhật.
Tân chủ tịch CLB Sài Gòn, ông Trần Hòa Bình sẽ thay ông Vũ Tiến Thành điều hành đội bóng và phát triển công ty theo định hướng Nhật Bản. Ảnh: SGFC. |
"J.League hóa" và cầu thủ Việt Nam sang Nhật
- Năm ngoái, ông làm giám đốc điều hành nhưng tại sao đến bây giờ ông mới đứng tên với vai trò là chủ tịch CLB Sài Gòn?
- Năm đầu tiên chúng tôi mới tiếp nhận đội bóng nên ưu tiên các vị trí chủ chốt và chuẩn bị nhân sự để làm việc cùng các đối tác Nhật Bản. Đó là lý do vì sao HLV Vũ Tiến Thành phải kiêm nhiệm chủ tịch CLB. Công việc đó đòi hỏi phải hiểu quản trị, ngân sách, chiến lược lẫn quản lý nhân sự. Năm nay, chúng tôi bắt đầu chuyên nghiệp hóa, chuyên sâu hóa và quốc tế hóa các vị trí.
Thành tích không phải là ưu tiên hàng đầu của đội bóng trong mùa giải đầu tiên. Nếu muốn có thành tích, chúng tôi đã mua ngôi sao. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tạo ra giá trị. Bóng đá có lúc thắng, lúc thua, lúc cao trào vui vẻ, cũng có lúc buồn. Tôi biết đó là những khoảnh khắc nhất thời nên muốn phát triển văn hóa thể thao, chứ không phải ưu tiên thành tích vô địch, á quân.
- Ông có thể cho biết mục tiêu cụ thể trong chiến lược J.League hóa đội bóng như thế nào?
- Chúng tôi đã ký kết hợp tác toàn diện với CLB Tokyo từ ngày 30/4/2020. Họ đã cử các chuyên gia giỏi nhất sang CLB Sài Gòn để giúp chúng tôi xây dựng nền móng vững chắc. Trong đó có Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu, ông Fujiwara Kenzo và Giám đốc học viện bóng đá, ông Oshima Tsubasa.
CLB Sài Gòn còn thuyết phục được Cựu GĐKT LĐBĐ Nhật Bản Masahiro Shimoda, người từng mang về nhiều thành tích khi còn làm ở Nhật từ năm 2009 đến 2016. Tôi còn lấy về cựu tuyển thủ Daisuke Matsui. Đây là cầu thủ có gia đình kiểu mẫu ở Nhật Bản, được nhiều người biết đến. Vợ cậu ấy là diễn viên nổi tiếng Rosa Kato.
Đây là chiến lược 2 chiều của CLB. Đầu tiên chúng tôi đưa các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để cầu thủ Việt có cơ hội cọ xát về chuyên môn và giao thoa văn hóa. Chiều ngược lại, CLB Sài Gòn sẽ đưa cầu thủ tiềm năng của mình sang Nhật Bản để cọ xát và đào tạo bài bản. Nếu cọ xát ở môi trường Thái Lan, Việt Nam thì chúng ta cũng chỉ đạt "level" ở Việt Nam, Thái Lan mà thôi.
Cao Văn Triền (trái) và Phạm Văn Phong là hai cầu thủ có thu nhập tốt của CLB Sài Gòn, được đánh giá cao và giữ lại. Ảnh: Quang Thịnh. |
- CLB Sài Gòn sẽ đưa cầu thủ sang Nhật Bản như thế nào, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Tôi lấy ví dụ mùa vừa rồi, thủ môn Phạm Văn Phong chơi quá hay, đẩy Tống Đức An dự bị chứ ai nói An không hay. Rồi Cao Văn Triền lên tuyển như vậy thì các cầu thủ khác lấy chỗ đâu mà đá. Tôi đã làm việc với ban tổ chức J.League, các CLB ở J1 League, J2 League và J3 League sẵn sàng tiếp nhận cầu thủ đội Sài Gòn và cho họ cơ hội thi đấu.
Những cầu thủ chưa có cơ hội ở CLB Sài Gòn sẽ được đem sang Nhật thi đấu. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ cho giải J.League để mang cầu thủ Việt Nam sang đó. Để nuôi được một "gà chiến" như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải từ lúc 10 tuổi lớn lên là chua cay lắm. Lỡ "gà" chấn thương thì sao, chúng ta phải nuôi một bầy gà.
- Vì sao ông lại chọn đối tác chiến lược là đội bóng đến từ Nhật Bản mà không phải từ một nền bóng đá khác?
- Tôi đã học tập, sinh sống và làm ăn ở Nhật Bản gần 20 năm qua nên có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng doanh nhật Nhật Bản. Tôi đã quen với văn hóa Nhật. Tôi cũng từng làm ở Australia và Mỹ, từng làm CEO (giám đốc điều hành) của nhiều tập đoàn nổi tiếng của Nhật. Công việc CEO chỉ là nghề tay trái của tôi, ước mơ của tôi là xây dựng văn hóa giáo dục Nhật Bản ở Việt Nam.
Tại sao tôi không xuất hiện sớm hơn với tư cách là chủ tịch, vì tôi muốn đã làm là phải chuẩn. Tôi học ở những đất nước tiên tiến và mỗi nơi là một trường phái khác nhau. Ở Mỹ là chủ nghĩa thành tích, hiệu quả. Anh thích nói gì cũng được miễn có thành tích. Còn ở Nhật là chủ nghĩa quy trình. Anh chưa có thành quả nhưng anh cứ nỗ lực từng bước để đạt những thành tích nhỏ. Và tôi muốn kết hợp cả hai thứ đó.
Cầu thủ nghĩ mình là ngôi sao, tôi cho nghỉ ngay
- Như vậy chiến lược năm 2020 và năm 2021 có gì khác nhau?
- Tôi đã chuẩn bị hệ thống, con người và quy trình chuẩn. Ai cũng muốn làm nhiều thứ nhưng phải xác định thứ tự ưu tiên. Năm ngoái, chúng tôi chọn cơ sở vật chất, thứ hai là đối tác chiến lược và cuối cùng là con người. Còn năm nay sẽ là con người, tiếp theo là cơ sở vật chất, kế tiếp là đối tác chiến lược rồi mới đến quy trình.
Mùa bóng vừa qua, 21 cầu thủ ra đi như các bạn biết. Tuy nhiên, điều này không quan trọng với CLB vì đội bóng không đặt nặng thành tích. Chúng tôi họp và nói chuyện rất nhiều. Tôi nói họ phải đoàn kết, đội bóng không có ngôi sao, đoàn kết mới thành công. Tôi không đặt mục tiêu vô địch hay hạng nhì. Chúng tôi muốn chứng minh là đội bóng chất lượng chứ không chạy đua theo thành tích.
Bầu Bình mang về 7 chuyên gia, cầu thủ Nhật Bản để xây dựng văn hóa, học viện bóng đá CLB Sài Gòn trong tương lai 10, 20 năm. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Còn về sự ưu tiên con người, năm 2020 và năm 2021 sẽ được tiến hành như thế nào, ông có thể cho biết cụ thể?
- Cầu thủ đội Sài Gòn sẽ sang Nhật Bản, cho bản thân họ có cơ hội vươn xa hơn nữa. Giá trị cầu thủ, tôi ví dụ như Pedro Paulo hay Geovane Magno không phải tự nhiên mà tăng giá trị. Tôi hãnh diện khi họ sang đội bóng khác tốt hơn, lương cao hơn nhưng cũng đau khổ lắm khi mình phát triển họ thành công như vậy.
Tôi không bao giờ tiếc những ngôi sao, họ cần đến chỗ phù hợp với ngôi sao và tôi cho họ đi ngay. Cầu thủ nào nghĩ mình là ngôi sao, tôi cho nghỉ việc ngay trong ngày. Đừng đến gặp tôi mà nói đội này, đội kia trả lương cao hơn, tôi cho đi ngay. Chúng tôi xây dựng tập thể ngôi sao, chứ không phải cầu thủ ngôi sao. Ai tự kiêu mình là ngôi sao, xin mời "out" khỏi CLB Sài Gòn.
- Theo ông làm bóng đá bây giờ khó hay dễ, dường như ông là một ông bầu mới nhất của bóng đá Việt Nam?
- Làm bóng đá Việt Nam rất khó vì có nhiều yếu tố tác động. Khó nhất là xuất phát điểm của cầu thủ mình quá thấp. Các cầu thủ Nhật đều xuất thân từ các trường đại học ra. Cầu thủ Việt Nam mình giàu nhanh quá là thành bệnh ngôi sao ngay. Để họ hòa hợp trong một tập thể là rất khó. Tôi nói thẳng, đừng gặp tôi mà nói chuyện tiền, chỗ nào cao thì mời anh đi.
Tôi nói với các cầu thủ, lương họ được trả xứng đáng với năng lực. Lương và thưởng của cầu thủ ngoại và nội đều công bằng. Ví dụ như Văn Phong, Văn Triền đều có thu nhập rất tốt. Thứ hai là tác phong làm việc, nhiều cầu thủ đi sớm, về trễ, tranh thủ đi chơi. Nhiều người ra Hà Nội là đi đâu mất, không ai kiểm soát được. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển về khu nhà ở, không ở khách sạn nữa.
- Mục tiêu của đội bóng ở mùa giải này như thế nào khi CLB Sài Gòn đã giành vị trí thứ 3 mùa trước và suất dự AFC Cup.
- Năm ngoái, CLB đã giành được tốp 3 đội mạnh nên mục tiêu vẫn là tốp 3. Tuy nhiên, thành tích chỉ đứng thứ 5 trong thứ tự ưu tiên của đội bóng sau con người, cơ sở vật chất, quy trình và chiến lược. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận đứng trong tốp 5. Tốp 5 thì sẽ không đá AFC Cup, nhưng không sao. Tôi chỉ mong CLB có 3, 4 cầu thủ lên tuyển là mừng, để ông Park không phải vất vả.
Mùa giải 2020, chúng tôi lên được tốp 3 là căng lắm rồi. Tôi không biết cầu thủ có bị ảnh hưởng gì không chứ bóng đá đỉnh cao mà một cầu thủ không cố gắng là công sức cả một tập thể đổ sông, đổ biển.