Khai thác lợi thế sân nhà
Dù start-up công nghệ chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, rất nhiều bạn khởi nghiệp thành công lại nằm ở lĩnh vực khác, ví dụ như nông nghiệp. Từ đó anh Tam cho rằng cần tận dụng thế mạnh sân nhà như khả năng của người khởi nghiệp, sự thấu hiểu thị trường, lợi thế người đi đầu, áp dụng kỹ thuật đổi mới và sáng tạo, kinh nghiệm sản xuất cùng đội ngũ dày dạn kinh nghiệm, ban cố vấn và mạng lưới chuỗi cung ứng tiêu chuẩn cao.
Theo vị CEO 8X ngành điện tử, Việt Nam chưa có thế mạnh về công nghệ cao nên con đường để tự xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực này sẽ gặp nhiều trở ngại về kinh nghiệm, nguồn lực. Đây là thực tế mà doanh nhân và start-up Việt nên thẳng thắn nhìn nhận.
Quan điểm của anh Tam là khởi nghiệp nên khai thác lợi thế sân nhà. |
Lấy ngắn nuôi dài
Ở một khía cạnh khác, theo anh Tam, start-up nên chọn địa bàn hoạt động nhỏ lại, không nên “xây mộng” toàn quốc, toàn cầu khi lực chưa đủ. “Khi đã làm tốt ở quy mô nhỏ, thành công chắc chắn rồi mới nên tính chuyện nhân rộng mô hình. Cần định hướng sản phẩm để nhắm tới người tiêu dùng cụ thể, trên cơ sở tận dụng nguồn lực ‘sân nhà’. Khởi nghiệp không nên chung chung, mơ mộng, tô hồng viễn cảnh”, CEO Asanzo truyền kinh nghiệm.
Anh Tam trao đổi với các bạn trẻ tại sự kiện Startup Việt 2017. |
Ngoài ra, khi thuyết trình dự án trước nhà đầu tư, các start-up cần lên kịch bản dự phòng và chuẩn bị câu trả lời trước cho những câu hỏi xoáy, liên tục rút kinh nghiệm để cải thiện cho những lần gọi vốn sau đó. Thực tế trong kinh doanh, các tình huống xấu luôn xảy ra và start-up cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó.
“Các CEO trẻ tuổi cần chuẩn bị kiến thức vững vàng, trau dồi kinh nghiệm, có tinh thần cầu thị, trang bị bản lĩnh sân khấu, phong thái tự tin và khả năng thuyết trình lưu loát để có thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn (Win Cash) và chinh phục trái tim của cộng đồng (Win Heart) về giá trị mà dự án kinh doanh mang lại”, anh Tam chia sẻ.
Asanzo có kế hoạch “bắt tay” với nhiều trường đại học trong việc khuyến tài, khuyến tập. |
Ông chủ hãng điện tử Asanzo cũng bày tỏ sự ưu tiên đầu tư cho start-up ở lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp vì có nhiều tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam. Anh sẵn sàng dành quỹ khoảng 5 triệu USD đầu tư cho một hoặc nhiều các dự án tiềm năng, phù hợp.
Asanzo có kế hoạch bắt tay với nhiều trường đại học trong việc khuyến tài, khuyến tập. Mới đây, Asanzo đã tài trợ học bổng có tổng trị giá lên tới 4 tỷ đồng cho Đại học Bình Dương. Trong đó có 3 tỷ đồng tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho các bạn sinh viên, 1 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư cho “Phòng thực tập điện tử”.
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi, có tư duy sáng tạo mang tính đổi mới. Kết hợp cùng sinh viên phát triển doanh nghiệp là mong muốn của Asanzo với hy vọng góp sức đưa thế hệ lao động trẻ tham gia vào phong trào khởi nghiệp của Chính phủ.