Đây là khẳng định của ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, khi chia sẻ về việc Ngân hàng Nhà nước gần đây có động thái siết chặt hoạt động cho vay bất động sản và một số ngân hàng thương mại đã ra thông báo dừng cho vay với lĩnh vực này.
Cụ thể, trong năm 2021 vừa qua, ABBank là một trong những ngân hàng có xu hướng tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm kinh doanh bất động sản, xây lắp và cho vay mua nhà để ở. Thực tế, dư nợ tín dụng và tỷ trọng trên tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này của ngân hàng cũng tăng cao trong năm vừa qua.
Tiếp tục mở rộng dư nợ bất động sản
Chủ tịch ABBank cho biết thực tế này xuất phát từ nhu cầu vay mua nhà để ở của khách hàng tăng trong năm 2021 và tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực này tại ngân hàng có tăng trong năm. Tuy nhiên, ông Kháng cho biết tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản của ABBank vẫn ở mức an toàn.
Hiện tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà để ở của ABBank vào khoảng 22-23% tổng dư nợ cho vay.
“Nhiều ngân hàng vừa qua có chủ trương không tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay mua nhà để ở, nhưng ABBank chưa có định hướng này”, ông Kháng nhấn mạnh.
Vị chủ tịch ngân hàng cho biết hiện HĐQT, Ban tổng giám đốc không đặt ra mục tiêu phải hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Năm 2022, ABBank vẫn chủ trương tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực cho vay mua nhà để ở và cả các lĩnh vực dịch vụ khác.
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank tại phiên họp cổ đông sáng 20/4. Ảnh: ABB. |
Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền tổng giám đốc ABBank, cho biết việc một số ngân hàng thương mại trên thị trường dừng cho vay bất động sản và cho vay mua nhà để ở đến từ việc tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực này đã ở mức cao. Tuy nhiên, ở ABBank thì ngân hàng không gặp khó khăn tương tự.
Ông Quân cho biết trong lĩnh vực này, ngân hàng luôn kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vay, chất lượng dư nợ, tài sản đảm bảo nên tỷ trọng cho vay bất động sản hiện tại vẫn khá thấp. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản hiện nay là 6% và dư nợ cho vay mua nhà để ở vào khoảng 17%.
“Đây là những chỉ tiêu phải báo cáo NHNN hàng ngày và cơ quan quản lý kiểm soát rất chặt. ABBank là một trong những ngân hàng được NHNN đánh giá tốt trong việc kiểm soát cho vay lĩnh vực bất động sản và không nằm trong nhóm bị cơ quan quản lý cảnh báo thời gian qua”, ông Quân chia sẻ.
Quyền tổng giám đốc ABBank cũng cho biết thêm ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay trong lĩnh vực này, đặc biệt là cho vay mua nhà để ở với bộ đệm là khẩu vị rủi ro vẫn ở mức tốt, đây cũng là lĩnh vực ABBank có thế mạnh để phát triển và vẫn còn room để mở rộng.
Không có khoản vay nào của FLC và Tân Hoàng Minh
Liên quan sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố vừa qua, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết các sự kiện liên quan FLC và Tân Hoàng Minh thời gian qua có ảnh hưởng tới các ngân hàng phát sinh dư nợ cho vay trực tiếp và trái phiếu của các doanh nghiệp này. Trong đó, mức độ ảnh hưởng đến nay vẫn chưa thể đo lường được.
Lãnh đạo ABBank cho biết ngân hàng không có khoản dư nợ nào với Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Ảnh: ABB. |
“Bản thân ABBank cũng có quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết khi phát triển các chi nhánh, như chi nhánh Thanh Hóa. Đây là nhu cầu nội tại của doanh nghiệp khi phát triển, tuy nhiên khi tiến hành thẩm định cho vay thì khẩu vị rủi ro không phù hợp”, ông Kháng chia sẻ.
Vị chủ tịch ngân hàng cho biết hiện tại ABBank không có khoản vay nào liên quan Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Chủ trương của HĐQT, Ban tổng giám đốc là không phát triển quá nhanh, không có khẩu vị rủi ro quá lớn.
Liên quan các sự kiện này, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết thêm ABBank luôn làm tốt công tác thẩm định và phê duyệt chặt chẽ với các khách hàng vay vốn hay những khoản đầu tư trái phiếu.
Nếu có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng cũng chỉ làm những dự án khả thi, dự án thực, có tài sản đảm bảo tốt.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, bãn lãnh đạo ABBank đã đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm nay sẽ đạt 138.250 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là huy động vốn thị trường 1 (bao gồm tiền gửi khách hàng và huy động tổ chức tài chính quốc tế) và dư nợ tín dụng (bao gồm cả đầu tư trái phiếu) dự kiến tăng 18% và 17%, đạt lần lượt 95.234 tỷ và 92.250 tỷ đồng vào cuối năm.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ phụ thuộc vào chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ban lãnh đạo ABBank cũng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ cho vay.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, ABBank dự kiến thu về 3.079 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, tăng 56% so với năm liền trước. Đây cũng là mức lợi nhuận kế hoạch cao nhất mà nhà băng này từng đặt ra.