Doanh nghiệp cam kết bồi thường thiệt hại cho các chủ tàu thép chậm nhất đến cuối tháng 4 nhưng đến nay, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa thực hiện.
Tàu thép mới đóng theo Nghị định 67 đã hỏng, gỉ sét nằm bờ khiến ngư dân Bình Định khốn khổ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho hay Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chây ỳ chưa chịu bồi thường, hỗ trợ các ngư dân có tàu thép mới đóng đã hỏng nằm bờ.
Bồi thường rẻ mạt
Theo ông Phúc, tỉnh Bình Định nhiều lần tổ chức họp giải quyết nhưng doanh nghiệp này không đến dự. Đến khi lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu công an khởi tố, lãnh đạo công ty này mới xuất hiện. Năm chủ tàu thép từng gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp này bồi thường, hỗ trợ 5 tỷ đồng.
Qua nhiều lần làm việc, đơn vị đóng tàu này hạ xuống chỉ chấp nhận bồi thường 881 triệu đồng và được các chủ tàu chấp nhận.
Chủ tàu thép Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) khẳng định gia đình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương do tàu mới đóng đã hỏng. Doanh nghiệp cam kết bồi thường, hỗ trợ bao gồm các khoản chi phí: Thuê thuyền viên, thiết kế chuyển đổi nghề, neo đậu, đi lại và nhiên liệu đưa tàu đến nơi sửa chữa.
Ngoài ra, đơn vị này cũng hứa hẹn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng 1% trong 6 tháng tàu nằm bờ sửa chữa. Đối với phần lãi suất quá hạn trong thời gian tàu sửa chữa là 7%/năm, đơn vị này hỗ trợ 1%. "Cam kết là vậy nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận đồng nào từ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương", ông Lý bức xúc.
Ngư dân Bình Định "xẻ thịt" tàu thép mới đóng đã hỏng để sửa chữa cho phù hợp với ngành nghề. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trong khi đó, ông Mai Văn Chương, chủ tàu thép ở huyện Phù Cát than vãn những khoản bồi thường thiệt hại khác (thiệt hại do tàu nằm bờ, tiền công trả cho thuyền viên...) đã được nêu rõ trong thỏa thuận đôi bên nhưng doanh nghiệp này vẫn không trả. Giữa năm 2016, 5 chiếc tàu trị giá hơn 15 tỷ đồng, mới đóng vài tháng đã gỉ sét hư hỏng nặng phải nằm bờ.
Chờ ngân hàng thẩm định lại tàu thép
Lý giải về nguyên nhân chậm bồi thường, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng Ngân hàng BIDV Phú Tài còn tạm giữ của công ty 5% giá trị mỗi con tàu (giá trị bảo lãnh về chất lượng) nên doanh nghiệp chờ ngân hàng thẩm định lại giá trị tàu và trả lại số tiền này mới có thể chi trả cho chủ tàu thép.
Trước tình hình này, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay không riêng gì 5 chủ tàu thép, lãnh đạo tỉnh cũng hết bức xúc với cách hành xử thiếu trách nhiệm, chây ỳ bồi thường kéo dài của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.
"Nếu doanh nghiệp không sớm thực hiện chi trả tiền theo cam kết, tỉnh sẽ áp dụng biện pháp mạnh để xử lý bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ tàu thép", ông Châu nói.
Trước đó, đầu năm 2017, sau khi đưa vào hoạt động chưa được bao lâu, 20 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định đã bị hư hỏng nặng. Trong đó, có 15 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Đến nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã bồi thường, hỗ trợ 12/14 chủ tàu thép với số tiền gần 3 tỷ đồng.