Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra: Chặn chủ đầu tư BOT 'tay không bắt giặc'

Ông Trần Quốc Vượng cho rằng BOT là một kênh huy động nguồn lực xã hội quan trọng song phải ngăn chặn tình trạng "tay không bắt giặc" và cần minh bạch khi thực hiện.

Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đánh giá về kết quả trong báo cáo của Chính phủ, nhất là việc ước hoàn thành cả 13 chỉ tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho rằng trong tình hình khó khăn, thách thức nội tại lớn mà đạt thành tựu vậy là sự cố gắng lớn, cần được Quốc hội ghi nhận.

Theo ông Vượng, kết quả đó đến từ 3 nguyên nhân chính. Một là sự tập trung lãnh đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp.

"Năm 2017, chúng ta đã tập trung, có một số quyết sách mà nhiều vấn đề đã để lâu chưa làm được. Đó là xử lý các tổ chức tín dụng, dự án yếu kém. Những vấn đề này đều được đặt lên bàn cơ quan cao nhất cả", ông Vượng dẫn chứng.

Chu dau tu BOT tay khong bat giac anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng. Ảnh: Bảo Lâm.

Thứ hai, việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng đã tạo niềm tin cho nhân dân. Việc đó cũng là làm cho các hoạt động xã hội đi vào nền nếp, cảnh tỉnh, phòng ngừa. "Cả trong môi trường sản xuất cũng tốt hơn, nên các chỉ số cạnh tranh mà quốc tế đánh giá chúng ta thì có nhiều chỉ số tăng điểm", ông Vượng nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra lưu ý, để hoàn thành chỉ tiêu quan trọng là GDP đạt 6,7% cho cả năm 2017 thì từ nay đến cuối năm còn phải phấn đấu quyết liệt, phải đột phá.

"Nếu đạt được thì quá mỹ mãn nhưng quan trọng vẫn là phát triển bền vững, không bằng mọi giá. Chúng ta đang đi lên theo hướng đó. Nên nếu chỉ tiêu này xấp xỉ thôi mà bền vững thì vẫn rất tốt", ông Vượng bày tỏ.

Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân.

Đề cập các dự án BOT, ông Trần khẳng định đây là chủ trương rất đúng. Báo chí cũng phải nói mặt tích cực chứ không nên chỉ nói mặt tiêu cực, làm các nhà đầu tư nản lòng.

BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng. Không có nguồn lực xã hội thì làm sao làm được, ngân sách không kham nổi. Các nước cũng như vậy, vấn đề là làm sao cho minh bạch, lành mạnh.

"Quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng. Mà lâu nay, chúng ta vẫn gọi là 'tay không bắt giặc'. Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh", Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Toàn cảnh quốc lộ 5 'tai tiếng' - nơi dân trả tiền lẻ qua trạm BOT Đi quốc lộ 5 nhưng lại trả phí cho cả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều tài xế, người dân đã bày tỏ sự bức xúc.

Kiến nghị giảm thu phí hơn 62 năm tại 22 dự án BOT

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương đương giảm doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng đối với 22 dự án BOT.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm