Tuần qua, Zing nhận được nhiều phản ánh của người dân quận Sơn Trà về việc chính quyền Đà Nẵng sắp tiến hành cưỡng chế các chủ nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang, cửa biển Thuận Phước (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Cùng thời gian này, UBND quận Sơn Trà ban hành kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ gần 60 lồng bè nuôi trồng thủy sản tự phát ở khu vực trên để bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn nước và an toàn giao thông đường thủy theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng giao đoạn 2020-2030.
Một số nông dân cho rằng quyết định cưỡng chế, chấm dứt việc nuôi trồng thủy hải sản khiến họ rơi vào cảnh thất nghiệp, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều hộ dân ở Đà Nẵng có nguy cơ thiệt hại lớn vì không được nuôi trồng thủy hải sản. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Ông Châu Minh Hà (ngụ quận Sơn Trà) cho biết từ năm 2008, gia đình ông đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi nghêu trên diện tích khoảng 2.000 m2 mặt nước tại khu vực cửa biển Thuận Phước. Ông Hà khẳng định trong quá trình nuôi trồng thủy sản luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Với diện tích trên, mỗi năm ông Hà cung ứng cho thị trường Đà Nẵng hàng trăm tấn hải sản các loại. Việc nuôi trồng thủy hải sản cũng giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.
Hai năm qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết nhà hàng, quán xá ở Đà Nẵng dừng hoạt động khiến hàng trăm tấn nghêu của ông Hà chưa thể tiêu thụ. Ngoài ra, nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy hải sản cũng đang ngoài cửa vịnh.
"Hiện ở ngoài cửa vịnh tôi đang còn hàng chục tấn nghêu các loại. Với giá nghêu từ 30.000-40.000 đồng/kg như hiện nay thì số tiền đang nằm dưới nước rất lớn", ông Hà phản ánh.
Hiện ở ngoài cửa vịnh tôi đang còn hàng chục tấn nghêu các loại. Với giá nghêu từ 30.000-40.000 đồng/kg như hiện nay thì số tiền đang nằm dưới nước rất lớn.
Ông Châu Minh Hà
Theo thống kê của chính quyền sở tại, toàn Đà Nẵng có 500 hộ nuôi trồng thủy hải sản với 804 bè, gần 2.000 lồng nuôi. Quyết định cưỡng chế của chính quyền thành phố đã cận kề nhưng nông dân chưa bán được thủy hải sản.
Ông Trần Cu (ngụ quận Sơn Trà) cho biết nếu không thu hoạch, tiêu thụ kịp thì hàng trăm tấn thủy hải sản của người dân sẽ bị mất, thiệt hại số tiền rất lớn.
Trong đơn kêu cứu, ông Huỳnh Cu đại diện cho 47 hộ dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) kiến nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gia hạn thời gian tháo dỡ lồng bè, đồng thời sớm quy hoạch vùng nuôi thủy sản để các hộ dân có kế sinh nhai.
Còn ông Hà thì nói rằng sẽ giao diện tích mặt nước cho thành phố nếu để triển khai dự án hoặc làm các công trình an sinh xã hội, quốc phòng. "Nếu khu vực này chưa làm gì thì chính quyền nên để người dân có thời gian nuôi và khai thác thủy hải sản, thu hồi vốn", ông Hà nói.
Đà Nẵng không quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè
Trả lời những phản ánh trên, ông Phan Văn Mỹ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng - cho biết từ ngày 18/10/2010, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 8918 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.
Theo quyết định, UBND thành phố không quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn thành phố cũng như quận Sơn Trà.
Tại Nghị quyết số 348 ngày 9/12/2020 của HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 (kỳ họp thứ 16), Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hoạt động; đồng thời xây dựng lộ trình chấm dứt việc nuôi cá lồng bè trên lưu vực các sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, vịnh Mân Quang.
Ngày 11/6 vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương liên quan tham mưu quyết liệt việc chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố trong năm 2021.
Hàng chục tấn nghêu của gia đình ông Hà đã đến vụ thu hoạch nhưng chưa thể tiêu thụ vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Cùng với đó, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các cơ quan, địa phương có liên quan trong việc để phát sinh nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Tiếp đó, ngày 5/9, UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 160 về việc triển khai thực hiện chấm dứt nuôi trồng thủy hải sản lồng bè tự phát trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó yêu cầu xử lý dứt điểm hoạt động nuôi cá lồng bè trong năm 2021.
Ông Mỹ khẳng định kế hoạch chấm dứt nuôi trồng thủy sản đã được chính quyền các cấp của TP Đà Nẵng ban hành từ lâu, có lộ trình cụ thể nhưng người dân vẫn không chấp hành.
“Thành phố không quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, trên biển. Các hộ nuôi trồng thủy sản phải chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trong năm 2021, thu hoạch thủy hải sản và sớm có kế hoạch xử lý lồng bè, trại nghêu của mình để hạn chế thiệt hại về kinh tế đến mức thấp nhất”, ông Mỹ nhấn mạnh.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.