Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: thediplomat.com |
“Chiến tranh liên Triều tạm ngưng sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Tuy nhiên, đây không phải hiệp ước hòa bình nên chiến tranh chưa thực sự chấm dứt. Bán đảo Triều Tiên tách thành hai từ đó tới nay. Nhằm duy trì khả năng răn đe, Triều Tiên đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân cùng các loại vũ khí nhằm chống lại các thế lực thù địch. Bình Nhưỡng muốn đảm bảo họ không phải chống đỡ hành động tấn công từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ”, Giáo sư Carl Thayer nói với Zing.vn.
Theo ông Thayer, năm nay Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đặt mìn ở biên giới chung với Hàn Quốc nhằm phản đối cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn. Seoul đáp trả bằng việc tái khởi động chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa công suất lớn gần biên giới. Các hành động đó gây ra vụ đấu pháo giữa hai nước, đẩy căng thẳng tới đỉnh điểm.
Khi căng thẳng trở nên nghiêm trọng, giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc chấp thuận giải quyết tình hình trên bàn đàm phán. Kết quả thương lượng hôm 25/8 không chỉ tháo ngòi nổ xung đột mà còn tạo ra hướng giải quyết những bất đồng tồn tại từ lâu. Sau nhiều năm, hai bên đã thống nhất tạo điều kiện cho các gia đình ly tán trong chiến tranh đoàn tụ vào dịp Trung thu.
Nhận định về thỏa thuận giữa hai miền Triều Tiên, Giáo sư Thayer phát biểu: “Bình Nhưỡng gây ra các sự kiện, đẩy tình hình tới ‘miệng hố chiến tranh’ nhằm thu hút sự chú, chấm dứt tình thế cô lập và chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng sẽ để chu kỳ hữu nghị và hận thù với Hàn Quốc lặp lại nhiều lần bằng hủy những thỏa thuận với nước láng giềng”.
Các nhà phân tích khác cũng đề cập nhiều tới thỏa thuận giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Trả lời phỏng vấn của Independent, ông Alistair Coleman, chuyên gia về Triều Tiên của BBC Monitoring, nhận định Bình Nhưỡng sẽ không để chiến tranh xảy ra.
“Kim Jong Un chắc chắn biết rằng chiến tranh sẽ là thảm họa quân sự với Bình Nhưỡng. Các sự kiện vừa qua là động thái làm gia tăng căng thẳng để giành lợi thế trên bàn đàm phán của Triều Tiên”, Coleman nói.
Tuy nhiên, Remco Breuker, giáo sư về Triều Tiên tại Đại học Leiden, Hà Lan, tin rằng Bình Nhưỡng gặp phải những khó khăn nhất định khi chơi trò "bên miệng hố chiến tranh”.
“Triều Tiên đã chơi trò này khá tệ. Họ đe dọa và bị đe dọa và để đất nước rơi vào tình thế khó xử bởi Hàn Quốc và Mỹ đã thể hiện sự linh hoạt bằng cách chấp thuận đàm phán và hoãn các cuộc tập trận quân sự vào thời điểm căng thẳng. Tuy nhiên, Seoul thể hiện sự cứng rắn khi từ chối đáp ứng yêu cầu của Bình Nhưỡng nếu họ không nhận trách nhiệm trong vụ đặt mìn ở biên giới”.