Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ 'kho báu' giữa rừng Tây Nguyên đối mặt kẻ cướp

40 năm băng rừng lội suối, A Lăng Linh đã sưu tập được hàng trăm cổ vật quý hiếm. Trong hành trình đầy đam mê của mình, nhiều lần ông gặp nguy nan.

Nhà ông A Lăng Linh ở thôn P’rao, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chẳng hề dễ tìm. Đến nơi rồi cũng chưa xong, để được nghe người đàn ông gần 60 tuổi này kể chuyện sưu tập cổ vật, muốn chiêm ngưỡng các món đồ hay chụp ảnh ông và hiện vật lại càng khó hơn.

Vì “nóng cái bụng”

Đầu tiên, A Lăng Linh hỏi khách giấy tờ giới thiệu của cơ quan, rồi “truy” tiếp giấy tờ tùy thân. Khi biết chắc chắn khách là “cán bộ”, ông mới chịu tiếp chuyện, mới cho chụp ảnh cổ vật. 

“Nhiều cổ vật có giá trị rất lớn, phải cẩn thận mới được. Dân trong làng hiền lành chẳng bao giờ có ý đồ xấu chứ người ngoài thì ai biết được ra sao…”, ông A Tính Đhi, chú ruột ông Linh, giải thích.

Cặp cồng quý của A Lăng Linh được giới mua bán cổ vật Lào trả đến 1,6 tỉ đồng nhưng ông nhất quyết không bán.

Hỏi giấy tờ xong, A Lăng Linh chưa vội nói gì mà mời chúng tôi vài chén rượu nếp do gia đình ông tự ủ nấu. “Chuyện săn tìm cổ vật cũng như chuyện đời mình, nó dài lắm, nhiều lắm”, khi đã ngà ngà hơi men, ông mới chịu trải lòng.

A Lăng Linh cho biết ông bắt đầu sưu tập cổ vật từ những năm 1976 - 1977. “Khi ấy, phần vì nóng cái bụng do thấy bao nhiêu cổ vật quý, độc đáo cứ chảy về dưới xuôi hết, mình muốn bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu; phần vì mình yêu thích cổ vật từ nhỏ, muốn có thật nhiều thứ để ngày ngày lau chùi, nhìn ngắm chúng. Nếu không vì những lý do đó, mình chả bỏ công sức, tâm huyết đi khắp nơi tìm mua cổ vật làm gì”, ông thổ lộ.

Những ngày đầu bắt tay vào việc sưu tập cổ vật với A Lăng Linh hết sức vất vả. “Ngày ấy, mình buôn bán đủ thứ như thuốc lá, đồng hồ, gà vịt, trâu bò… để lấy tiền lời mua lại cổ vật từ bà con các buôn làng. Có khi mình dùng chính những thứ ấy để đổi lấy cổ vật. Ngày nay còn có xe đạp, xe máy, ô tô để đi chứ trước đây, mình phải lội bộ, băng rừng vượt suối mất rất nhiều ngày để tìm mua cổ vật”, ông nhớ lại.

Khi đã tích cóp được chút ít vốn liếng, A Lăng Linh tìm mua cổ vật của các dân tộc ở Quảng Nam và những tỉnh lân cận. Mấy năm gần đây, ông còn cất công ra tận Hà Nội, lên Thái Nguyên, sang Lào… để sưu tập cổ vật. 

“Dường như mình rất có duyên, có sự kết nối nào đó với cổ vật. Khi thì mình biết ở đâu đó có cổ vật nên tìm đến, khi lại được người ta chỉ dẫn nhưng hầu hết là do tự mình lần mò đi tìm. Mình cứ chuẩn bị tiền rồi lên đường, đến đâu hỏi thăm người dân đến đấy, gặp cổ vật là mua mang về”, ông giải thích.

“Cổ vật rất phong phú, đa dạng, làm sao ông biết món nào lâu năm, có giá trị mà sưu tập?”, chúng tôi thắc mắc. Ông A Lăng Linh tiết lộ: “Nhà mình trước đây cũng có một số cổ vật. Bố mình là người khá rành về cổ vật. Mình học từ bố rất nhiều và vì quá yêu thích nên tự mày mò tìm hiểu cách đoán tuổi cổ vật, các hoa văn trang trí và cả màu sắc nữa… Tuy vậy, mình cũng không ít lần vớ phải cổ vật dỏm, lại mua với giá đắt nữa. Nhưng mà mình không buồn tí nào đâu vì đó cũng là kinh nghiệm cho những lần sau”.

Đối mặt trộm cướp

Phần lớn cuộc đời ngót 60 năm, A Lăng Linh dành cho việc săn tìm cổ vật. Trong hành trình đầy đam mê của đời mình ấy, rất nhiều lần ông gặp nguy nan.

“Những năm đầu mới đi sưu tập cổ vật, nhiều lần mình bị bọn cướp chặn đường. Có lần, mình mang cả túi tiền đi mua cổ vật nhưng không tìm được thứ gì vừa ý nên đem về. Chưa tới nhà mà trời đã tối mịt, không đi tiếp được nữa, sợ mất tiền nên mình phải thức cả đêm giữa rừng núi để trông giữ. 

Tới gần sáng thì mệt quá, mình ngủ thiếp đi, được một lúc chợt giật mình tỉnh dậy vì có tiếng động lạ. Có mấy tay thanh niên đang tiến lại gần để cướp chiếc đồng hồ mình đeo trên tay. Mình vừa rút con dao đi rừng trong người ra vừa la toáng lên, thế là chúng sợ bỏ đi. Cũng may mà chúng không biết mình mang theo cả túi tiền, chứ không thì lần đó thật khó thoát”, ông cười xòa.

Một lần khác, A Lăng Linh dắt cặp bò đi đổi cổ vật cũng suýt bị cướp. “Ba tên chặn đường, vu cho mình là ăn trộm bò rồi ngang nhiên dắt 2 con đi. Mình đã cố giải thích là cặp bò này do mình mới mua nhưng chúng vẫn bất chấp. Lúc đó đã 21 giờ, mình đành rút dao ra và bật lửa lên. Ba tên thanh niên có lẽ tưởng đó là súng nên bỏ chạy hết... Rất nhiều lần gặp nguy hiểm như vậy nhưng vì yêu thích cổ vật, mình có chết cũng không sao”, ông nói.

Không chỉ vất vả, nguy hiểm trong hành trình sưu tập cổ vật, nhiều khi A Lăng Linh còn phải ôm nợ. “Không có tiền, nhiều lần mình vay vốn ngân hàng mua trâu bò để mang đổi cổ vật. Chưa đổi được thì trâu bò chết, thế là mình ôm một đống nợ”, ông kể.

Không phải để mua bán

Mấy chục năm nay, số cổ vật sưu tập được rất nhiều nhưng A Lăng Linh cũng bán đi không ít món. “Mình phải bán để trả nợ hoặc lúc gia đình có người đau ốm. Hơn nữa, đó là những cổ vật không thật sự quý giá, mình bán để mua những món khác giá trị hơn, đẹp hơn”, ông phân trần.

Theo ông A Tính Đhi, nếu chỉ tính chuyện mua đi bán lại cổ vật để kiếm lời thì A Lăng Linh dễ dàng có tiền tỉ trong tay. “Mình vừa tìm mua được một chiếc ché 30 triệu đồng, có người vào xem rồi trả giá “300”. Mình cứ tưởng họ nói 300.000 nên trợn mắt hỏi lại, hóa ra họ trả 300 triệu đồng. Họ thích thì trả giá vậy nhưng mình không có bán”, ông Linh khẳng định.

Cổ vật mà A Lăng Linh sưu tập được đa phần đều có người gạ giá với mức từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Chỉ 2 chiếc cồng chưng trên kệ gỗ, ông hào hứng: “Trước đây, mình đổi cặp bò trị giá khoảng 20 triệu đồng cho một người Cơ Tu để lấy nó. Sau này, một nhóm nhà buôn cổ vật bên Lào sang xem xét nhiều lần rồi trả giá tới 1,6 tỉ đồng nhưng mình nhất định không bán vì đây là loại cồng rất quý hiếm”.

A Lăng Linh có vẻ rất tâm đắc với việc sưu tập được cặp cồng này. Ông cho biết lần đầu nhóm người Lào trả giá 80 triệu đồng nhưng ông không bán. Khoảng một tháng sau, họ quay lại nâng giá lên 150 triệu đồng, A Lăng Linh vẫn không chấp nhận. Nhóm người Lào đành quay về, ít lâu sau lại sang ngã giá 300 triệu đồng…

“Vì không muốn bán cồng quý nên mình đòi 1 tỉ đồng. Nhóm người Lào bỏ đi, tưởng đâu họ đã “sợ” nhưng ít hôm lại tìm đến và đồng ý trả 1 tỉ đồng. Lúc ấy, mình phải thú thật với họ rằng cồng đó không phải là thứ để mua bán. Vậy mà họ cứ nài nỉ mãi, cuối cùng trả giá đến 1,6 tỉ đồng. Dù giá có cao hơn nữa, mình cũng nhất quyết không bán”, ông Linh nói chắc nịch.

Chúng tôi nhiều lần đề nghị A Lăng Linh mang cồng xuống để chiêm ngưỡng kỹ hơn, dù chần chừ rất lâu nhưng rốt cuộc ông vẫn không đồng ý. “Trước đây, mình thường mang cồng xuống lau chùi hoặc để cho khách khứa, người ngoài sờ mó. Nhưng từ khi nghe nhóm nhà buôn Lào bảo cặp cồng đã hàng ngàn năm tuổi, mình không muốn kinh động cổ vật này nữa…”, ông bộc bạch.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/kho-bau-giua-dai-ngan-20140301204450304.htm

Theo Người Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm